Những ngày qua, dư luận xã hội lại xôn xao vì một số “sạn” không đáng có trong SGK Lớp 1. Tôi không tham gia biên soạn SGK. Tuy nhiên, qua kinh nghiệm làm chương trình nhà trường và tổ chức biên soạn giáo trình của một số môn học chuyên biệt, tôi có thể hình dung các nguyên tắc cơ bản dùng làm định hướng khi tổ chức biên soạn và thẩm định SGK, như sau:
Nguyên tắc thứ nhất là phải có một tổng công trình sư đủ tài năng, đức độ và tầm vóc để chỉ huy việc làm sách giáo khoa. Nếu không sẽ vỡ trận về nội dung trong từng môn học và trong tất cả các bậc học.
Hiểu nôm na thì người đó sẽ đóng vai trò như nhạc trưởng chỉ huy dàn nhạc, phải lựa chọn nhạc cụ, chỉ huy và giữ nhịp cho cả dàn nhạc. Nếu không sẽ dẫn đến tình trạng có gì dùng nấy kiểu tự phát, như mang đàn bầu và nhị và trong dàn nhạc giao hưởng chẳng hạn.
Nguyên tắc thứ hai là những người làm sách phải xác lập được một triết lý giáo dục tường minh và thuyết phục để dẫn dắt việc tổ chức nội dung, lựa chọn ngữ liệu, thiết kế minh họa, sâu chuỗi logic của các mô-đun trong một môn học, và đồng bộ hóa nội dung của tất cả các môn trong một bậc học, kế thừa và phát triển nội dung trong các bậc học khác nhau, trong sự nhất quán về triết lý và giá trị.
Việc này có thể được thực hiện thông qua việc trả lời thật nghiêm túc và thấu đáo câu hỏi cơ bản: Bộ SGK này sẽ được dùng để đào tạo con người nào?
Chẳng hạn, trong ngôi trường của chúng tôi, triết lý giáo dục được phát biểu ngắn gọn là: Đào tạo con người tự chủ, sống hạnh phúc, làm hiệu quả. Vì vậy, tất cả các thành phần của chương trình giáo dục đều phải hướng đến việc hiện thực hóa triết lý giáo dục này.
Nếu không, các tác giả sẽ không hình dung được bộ SGK do mình viết ra sẽ được sử dụng để đào tạo con người nào, vì thế, sẽ rất dễ rơi vào tự phát và bị giới hạn bởi kinh nghiệm trực tiếp của chính tác giả, tức rất dễ mắc phải các sai lầm không đáng có về ngữ liệu và minh họa, và nghiêm trọng hơn, bộ SGK được viết ra sẽ bị giam hãm bởi quá khứ của chính các tác giả.
Nguyên tắc thứ ba là cần lựa chọn một bộ giá trị cốt lõi làm khung tham chiếu trong suốt quá trình biên soạn sách. Nếu không, sẽ không có đủ cơ sở để đưa ra các lựa chọn và điều chỉnh hầu đạt được mục tiêu của cuốn sách.
Chẳng hạn, bộ giá trị cốt lõi của trường chúng tôi là bốn giá trị Chân – Thiện – Mỹ - Hòa. Mỗi khi phải đưa ra một đánh giá, một lựa chọn, chúng tôi đều phải tham chiếu đến các giá trị này. Nếu nội dung nào không đủ cơ sở khoa học, hoặc có tiềm năng gây hại cho học sinh hoặc môi trường, xã hội là chúng tôi loại bỏ. Đôi khi, chúng tôi cũng phải cắt bỏ hoặc chỉnh sửa ngữ liệu, minh họa vì chúng tuy không sai, nhưng không đủ đẹp.
Nguyên tắc thứ tư là nhóm tác giả phải nhìn vào tương lai để viết SGK, chứ không phải nhìn lại quá khứ và trải nghiệm của nhóm tác giả và chính nền giáo dục. Sách giáo khoa có thể được viết ra bởi những người trên 60 tuổi, nhưng lại là để cho các học sinh 6 tuổi sử dụng khi vào lớp 1.
Những người 60 tuổi đó thuộc về quá khứ, còn những học sinh 6 tuổi đó thuộc về tương lai. Phải 20-30 năm sau những học sinh 6 tuổi đi học ngày hôm nay mới bước vào đời, gánh vác trách nhiệm của gia đình và xã hội.
Vì thế, khi viết sách cần phải nhìn vào tương lai để viết, với một tầm nhìn tối thiểu là ba mươi năm, ăn khớp với tầm nhìn về phát triển của quốc gia và dự đoán tương lai của thời đại.
Nếu không, SGK mới được viết ra sẽ na ná như sách cũ, đặc biệt là khi vẫn những con người cũ chủ trì và là lực lực chính để viết sách. Khi đó, sách sẽ bị lạc hậu ngay khi được viết ra.
Nguyên tắc thứ năm là phải bám sát chương trình giáo dục phổ thông mới (chương trình quốc gia) đã được ban hành để viết. Vì SGK viết ra cần phải qua thẩm định, xem có phù hợp với các yêu cầu của chương trình quốc gia không. Nếu không thì sách sẽ không được đưa vào sử dụng, sẽ uổng công cho người biên soạn.
Nguyên tắc thứ sáu là khi tiến hành viết SGK, nhóm tác giả phải trả lời thật rõ ràng, mạch lạc và thuyết phục những câu hỏi liên quan trực tiếp đến giá trị của bộ sách, như: Bộ SGK này mang lại giá trị gì cho người dùng, tức học sinh, giáo viên, phụ huynh và rộng hơn là cả xã hội? Và vì sao người dùng lại chọn các giá trị đó để sử dụng bộ sách?
Nếu không trả lời được rõ ràng và tự tin, có tính thuyết phục về giá trị của bộ SGK mình viết, nhiều khả năng bộ sách sẽ chỉ giống như một dự án giải ngân cho xong, chứ không phải là một sản phẩm giáo dục có chất lượng cao.
Nguyên tắc thứ bẩy là cân bằng hài hòa mối quan tâm của các bên liên quan đến việc biên soạn, quản lý và sử dụng bộ SGK.
Từ phía người viết sách, SGK dùng để cụ thể hóa chương trình giáo dục phổ thông đã được phê duyệt. Vì thế, khi viết sách, các tác giả sẽ phải bám theo chương trình khung này.
Tuy nhiên, từ góc nhìn của nhà giáo dục, SGK là phương tiện chủ đạo để hiện thực hóa câu trả lời cho các câu hỏi cốt yếu trong giáo dục: Bộ SGK này dùng để đào tạo con người nào? Tổ chức nội dung SGK như thế nào cho nhất quán và hướng đích?
Còn từ phía người dùng, tức phụ huynh, học sinh và rộng hơn là xã hội, thì mối quan tâm của họ là bộ SGK này mang lại giá trị gì cho học sinh, có giúp học sinh trang bị các kiến thức và phát triển các kỹ năng cần thiết, có giúp cho con họ trưởng thành, có tạo ra những con người tự lập – tự chủ, những công dân trách nhiệm và đạo đức… hay không?
Nguyên tắc thứ tám là các tác giả phải thấu hiểu người dùng, tức các học sinh, thông qua việc trả lời các câu hỏi rất cụ thể như: Bộ SGK này được viết cho đối tượng nào? Các đặc trưng về tâm sinh lý lứa tuổi của học sinh là gì? Các kiến thức và kỹ năng mà các em đã có trước đó? Các kiến thức và kỹ năng sẽ được phát triển ở các bậc học kế tiếp? Hoàn cảnh xã hội và đặc điểm vùng miền của học sinh sử dụng sách?
Nếu không trả lời thuyết phục được các câu hỏi này, thì dù sách có hay theo góc nhìn của nhóm tác giả, học sinh và phụ huynh vẫn không chấp nhận.
Nguyên tắc thứ chín là nội dung, bố cục phải nhất quán và tuân thủ một logic tổng thể chung, nội dung của các môn học phải được đồng bộ hóa theo hướng tích hợp liên môn. Nếu không các môn học khác nhau sẽ không hỗ trợ nhau, nhịp đi của các môn học sẽ vênh nhau, làm giảm chất lượng giáo dục khi triển khai đi rất nhiều.
Làm được như thế, mỗi cuốn sách không chỉ là một mạch tri thức cần khám phá, mà cả bộ sách sẽ trở thành một bản giao hưởng nhất quán và hấp dẫn.
Nguyên tắc thứ mười là xác định rõ phương pháp giáo dục chủ đạo của từng môn học và của cả bộ sách, để nội dung của bộ sách tương hợp một cách tự nhiên với phương pháp giáo đã được chọn.
Nếu không sẽ có sự vênh nhau giữa nội dung và phương pháp, dẫn đến gây khó khăn khi triển khai trong thực tế. Trong trường hợp đó, giáo viên sẽ trở lại phương pháp truyền thống là: thầy giảng giải, trò hiểu, trò ghi nhớ, thầy kiểm tra sự hiểu – sự nhớ qua các bài thi, với sản phẩm điển hình là “văn mẫu, toán dạng” định hướng là “học để thi” trong suốt quá trình học.
Nguyên tắc thứ mười một là các nội dung của SGK phải đảm bảo tính khoa học và hướng đến sự thật. Vì sao vậy? Vì khoa học và tri thức chính là đối tượng cần chiếm lĩnh của học sinh, cũng là các hoạt động chính của nhà trường. Văn hóa sẽ là nội dung cần lưu ý tiếp sau khoa học, nhưng chiếm vị trí thứ yếu hơn. Còn tôn giáo và chính trị, tốt nhất là không nên xuất hiện ở trong trường học, nếu đó không phải là một đối tượng của học thuật.
Nguyên tắc thứ mười hai là nội dung của SGK còn phải phù hợp với lẽ thường và các chuẩn mực đạo đức phổ quát, không có các nội dung phân biệt tôn giáo, giới tính và vùng miền, không gián tiếp xúi giục các hành vi phạm pháp... Vì SGK của bậc học phổ thông là dạy những thứ thật phổ thông, trong đó hiểu được lẽ thường, sống theo đạo đức phổ quát và làm việc theo pháp luật là một trong những nội dung quan trọng.
Nguyên tắc thứ mười ba là sách viết ra phải có các yếu tố có tính cách địa phương hóa và cá nhân hóa giáo dục. Tức người viết sách phải hình dung được bộ sách của mình sẽ được dùng ở khu vực nào là chính, và với ngay cả một khu vực đã được xác định như thế, thì các học sinh khác nhau có thể cá nhân hóa việc học của mình như thế nào, và giáo viên có thể tổ chức việc cá nhân hóa giáo dục đó ra sao trên cơ sở nội dung của SGK.
Nguyên tắc thứ mười bốn là SGK phải giúp cho học sinh tự học được. Vì sao vậy? Vì trái tim của việc học là chính là tự học. Nếu SGK mà học sinh cầm lên không thể tự học được, thì đó là mộtthất bại của các tác giả.
Tuy nhiên, các bộ SGK hiện hành, đặc biệt là các bộ SGK từ lớp 2 trở lên, làm cho học sinh không thể tự học. Kiến thức trong sách được chia thành hai phần, như khóa và chìa. Thầy cô nắm chiếc chìa khóa, chỉ khi nào tra chìa vào thì cánh cửa tri thức mới mở ra được. Đó thực sự là một tiếp cận sai lầm khi biên soạn SGK.
Nguyên tắc thứ mười lăm là sách viết ra phải phù hợp với trình độ của giáo viên và phải có sách giáo viên đi kèm. Điều này có nghĩa, các tác giả khi viết sách phải có hình dung rõ ràng và có nguyên tắc với việc giảng dạy sau này, có sự tham gia góp ý và thảo luận của các giáo viên đang đứng lớp. Nếu không, giáo viên sẽ không thể sử dụng SGK một cách đúng đắn và hiệu quả.
Khi đó, giáo viên sẽ rơi vào tình trạng mò mẫm và máy móc khi giảng dạy, và từng bước trượt về cách dạy cũ của bộ SGK cũ, trong sự hoang mang và kém hiệu quả.
Ngoài ra, việc tập huấn giáo viên khi sử dụng SGK mới, đặc biệt là tập huấn về phương pháp giáo dục, là cần thiết.
Nguyên tắc thứ mưới sáu là phải có sự liên hệ chặt chẽ giữa nội dung giáo dục và kiểm tra đánh giá thi cử của học sinh. Nói cách khác, nội dung sách phải đáp ứng được các yêu cầu về kết quả đầu ra đối với học sinh, và SGK phải đi kèm các nội dung và phương pháp kiểm tra đánh giá học sinh một cách tương ứng.
Kết hợp với nguyên tắc trên, ta thấy nội dung SGK phải đồng hợp với trình độ của giáo viên, khả năng tự học và sự tiếp nhận của học sinh và phương pháp kiểm tra – đánh giá – thi cử, tạo ra một “bộ tứ kim cương” hài hòa và nhất quan.
Nguyên tắc thứ mười bẩy là chi phí của bộ SGK viết ra có phù hợp với xã hội. Một bộ sách tốt, nhưng chi phí lên đến nhiều triệu đồng, như SGK của nước ngoài, thì cũng không phù hợp với điều kinh kinh tế của đa số các gia đình của Việt Nam. Vì thế, số lượng trang sách, màu sắc sử dụng, cũng phải nằm trong những giới hạn được phép để không đội quá chi phí khi in ấn.
Nguyên tắc thứ mười tám là thiết lập nhóm nguyên tắc và tiêu chí riêng cho từng bộ môn trong cả bộ SGK. Chẳng hạn: Với môn Tiếng Việt thì ngữ liệu phải lựa chọn sao cho phù hợp với thứ tự các âm, vần đã học và đáp ứng các tiêu chí riêng của bộ môn này; hoặc với môn Toán, môn Khoa học thì các khái niệm mới phải dựa trên các khái niệm cơ sở trước đó… trong sự tiếp cận liên môn và hỗ trợ lẫn nhau giữa các môn học.
Nguyên tắc thứ mười chín là SGK và giáo dục chỉ là một phần của giáo dục, và giáo dục chỉ là một bộ phận của xã hội và quốc gia. Quốc gia cũng chỉ là một phần của thế giới và thời đại. Vì thế, trong quá trình biên soạn SGK, luôn phải đặt những nội dung của sách trong một không-thời gian rộng lớn hơn của dân tộc và thời đại để SGK có thêm sức sống vì không tự cô lập và giới hạn mình.
Nguyên tắc thứ hai mươi, tạm coi là nguyên tắc cuối cùng cho đỡ phức tạp, là những người biên soạn và thẩm định sách luôn giữ được sự cẩn trọng và khoa học trong suốt quá trình làm SGK, liên tục lắng nghe và hoàn thiện nội dung, với mục tiêu tạo ra một bộ sách tốt nhất cho học sinh sử dụng, trong một hình dung lớn hơn về sự phát triển của quốc gia, chứ không chỉ đơn thuần là tạo ra một bộ SGK đủ vượt qua vòng thẩm định.
Trên đây là phác họa một số nguyên tắc mà người viết bài này rút ra được khi tổ chức làm chương trình và biên soạn giáo trình cho một số môn học riêng của nhà trường. Thiển nghĩ, các nguyên tắc này hoàn toàn có thể áp dụng, hoặc ít nhất là có giá trị tham khảo, cho việc tổ chức làm SGK.
Với SGK lớp 1 năm nay, người ngoài không thể biết được bộ nguyên tắc định hướng cho việc biên soạn và thẩm định SGK là gì. Nhưng có một điều chắc chắn, không định ra các nguyên tắc cơ bản để định hướng và tuân thủ bộ quy trình biên soạn và thẩm định SGK để kiểm soát chất lượng, thì chắc chắn sẽ mắc phải các sai sót không đáng có.
Muốn không lặp lại các sai sót này trong các bộ SGK lớp 2 và lớp 6 năm sau, người tổng chỉ huy nhất thiết phải định ra nguyên tắc cơ bản tương tự như bộ nguyên tắc này, và sử dụng chúng một cách tự nhiên – thành thạo, để định hướng cho việc tổ chức biên soạn và thẩm định SGK.
Nếu không, các sai sót trong các bộ SGK kế tiếp - hoặc dưới dạng kỹ thuật như ngữ liệu và minh họa không phù hợp, hoặc ở việc không đạt được mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông tổng thể - là không thể tránh khỏi.