Thứ Ba, 15 tháng 12, 2020

Chọn Sách Giáo Khoa như thế nào?

Liên quan đến các thảo luận về SGK Lớp 1 năm nay, tôi có trao đổi các tiêu chí lựa chọn SGK mà tôi đã sử dụng với phóng viên của báo Thanh Niên, số ra ngày 13.10.2020. Xin đăng lại đây để mọi người tham khảo.

---
Khi chọn SGK, tiêu chí đầu tiên của chúng tôi là: Bộ SGK này có tương thích với triết lý giáo dục, giá trị cốt lõi, phương pháp giáo dục của đạo của trường chúng tôi hay không. Nếu thấy có thể tương thích, hoặc ít nhất cũng ở mức không xung đột, thì chúng tôi sẽ xem xét lựa chọn.

Tiêu chứ thứ hai là nội dung của cuốn sách, bao gồm cả bố cục và nội dung chi tiết, hình minh họa có khoa học và phù hợp với mong đợi của chúng tôi? Các nội dung này có phù hợp với trình độ của giáo viên để giảng dạy, và có phù hợp với tâm sinh lý của học sinh để học tập.

Thực tế, nội dung các bộ SGK đều phải tuân thủ chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, nhưng vẫn có sự thăng giáng và khác biệt trong tổ chức nội dung và hình minh họa. 

Những chi tiết nhỏ đó sẽ cho biết trình độ và sự tinh tế của nhóm tác giả, cũng đồng thời tạo ra chiều sâu của bộ sách, để các giáo viên giỏi và những học sinh giỏi có thể khám phá thêm.

Tiêu chí thứ ba là ngữ liệu và hình ảnh minh họa có phù hợp với lứa tuổi, vùng miền? Trường của chúng tôi ở Hà Nội, vậy các từ ngữ và hình ảnh minh họa có quá xa lạ với học sinh thành phố? Nếu có thì mức độ có chấp nhận được hay không?

Tiêu chí thứ tư là tính liên thông của các môn học khác nhau trong cùng một bộ sách có tệ quá không? Vì thực tế, đây là một nhược điểm của các bộ SGK của chúng ta, khi các tác giả của các bộ môn khác nhau có vẻ không trao đổi với nhau để đồng bộ hóa chương trình giáo dục. 

Tiêu chí thứ năm là SGK có hàm chứa những nội dung có thể khơi gợi sự sáng tạo để học sinh khám phá, có phù hợp để triển khai phương pháp “Đồng kiến tạo” của chúng tôi, có dành không gian cho giáo viên và học sinh, hay chỉ có thể dạy theo lối dập khuôn, máy móc?

Tiêu chí thứ sáu là nhóm tác giả viết SGK đó là ai? Có phải là những chuyên gia mà chúng tôi có hiểu biết trực tiếp và có sự tin tưởng. Việc này không có gì lạ, vì cũng giống như khi đi mua sách, chúng ta đều xem xét nội dung cuốn sách có phù hợp với nhu cầu của mình không, và sau đó là tác giả của cuốn sách là ai, mình có biết và có tin tưởng?

Tiêu chí thứ bảy là việc kiểm tra đánh giá thi cử của bộ SGK sẽ được tiến hành ra sao? Hình thức và nội dung của việc kiểm tra đánh giá học sinh có được thể hiện rõ và có phù hợp với chúng tôi hay không? Nếu không, chúng tôi sẽ xử lý như thế nào.

Tiêu chí thứ tám là các tài liệu đi kèm như sách giáo viên, sách bài tập có phù hợp với bộ SGK và với mong đợi của nhà trường? Nếu không, thì sẽ phải xử lý như thế nào.

Tiêu chí thứ chín là tìm hiểu và cảm nhận xem nhóm tác giả này thực sự làm SGK với tâm huyết và hiểu biết, hay chỉ là một dự án giáo dục cần được giải ngân, hay một dự án kinh doanh của nhà xuất bản. 

Tiêu chí thứ mười là trực giác và cảm quan trực tiếp khi cầm bộ SGK, xem trong số năm bộ SGK hiện hành, thì bộ sách này có đủ hay, đủ đẹp, đủ thuyết phục mình phải lựa chọn hay không? 

Chúng tôi đã chọn SGK năm nay dựa trên mười tiêu chí đó. Tuy không được hoàn hảo như kỳ vọng, nhưng chúng tôi hài lòng với lựa chọn đó.