TTO - Trước những ồn ào xung quanh sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1, bộ Cánh diều, các bên liên quan cần có những cách giải quyết thỏa đáng với mục tiêu cuối cùng là học sinh có SGK hoàn toàn là tiếng Việt trong sáng, phổ thông và ý nghĩa.
Học sinh lớp 1 học đánh vần tại một trường tiểu học ở TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG
Năm nay chúng ta có nhiều bộ SGK thay vì chỉ một bộ. Đó là một bước tiến lớn. Về nguyên tắc, nhiều bộ SGK sẽ tốt hơn một bộ SGK. Vì thế không nên vì một số sai sót mà lùi lại với một bộ SGK như trước.
Đó là khẳng định của TS Giáp Văn Dương, chuyên gia giáo dục. Trao đổi với Tuổi Trẻ về hướng xử lý, ông Dương nhận định:
- Theo tôi, với nhóm tác giả, cần tiếp thu các ý kiến, nhận xét của giới chuyên môn và xã hội để sửa chữa những sai sót cho lần tái bản kế tiếp.
Với nhà quản lý, cần đưa ra những hướng dẫn về cách khắc phục sai sót trong sách giáo khoa (SGK) cho các trường, đồng thời tổ chức lấy ý kiến chuyên gia, hoặc thẩm định lại, để giúp các tác giả điều chỉnh nội dung chưa phù hợp của bộ sách.
Còn với nhà trường, cần theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT. Với các trường công thì việc chọn SGK không thể tự quyết được, nên thay đổi SGK không phải là việc dễ, trừ phi có hướng dẫn cụ thể của ngành giáo dục.
Vì thế tôi có thể dự đoán rằng các trường sẽ cứ "dùng dằng mà đi" với bộ SGK đến hết năm học, sau đó sẽ tính tiếp.
* Là người từng học tập, nghiên cứu, giảng dạy ở nước ngoài, ông nhận xét gì về SGK ở các nước trên thế giới, nhất là các nước phát triển?
- Tôi có trải nghiệm trực tiếp về SGK bậc phổ thông của Anh và Singapore. Hai nước này đều có nhiều bộ SGK cùng lưu hành nhưng cách sử dụng SGK cũng rất khác nhau. Ở Anh, khi con tôi học tiểu học tôi không thấy SGK xuất hiện trong cặp của con, vì các bài học là do thầy cô thiết kế dựa trên chương trình quốc gia và tham khảo các bộ sách hiện hành.
Vì thế học sinh chỉ có phiếu học tập, phiếu bài tập kẹp thành tập, thay vì cả bộ SGK như ở Việt Nam. Tuy nhiên, ở các khối lớp cao hơn thì học sinh có sử dụng SGK, giáo trình. Bậc học càng cao thì SGK, giáo trình ngày càng trở nên quan trọng với học sinh.
Riêng tại Singapore cách dùng SGK khá giống ở Việt Nam. Mỗi học sinh đều có một bộ SGK chính thức. Đây là bộ SGK được nhà trường chọn trong số vài chục bộ được cấp phép lưu hành. Việc viết và phát hành SGK là công việc của các tác giả và các nhà xuất bản.
Bộ Giáo dục Singapore chỉ thẩm định và cấp phép lưu hành có thời hạn cho các bộ SGK.
* Để có những bộ SGK tốt cho học sinh Việt Nam, theo ông, quy trình làm sách nên như thế nào, những ai tham gia?
- Kinh nghiệm cá nhân tôi cho thấy bước đầu tiên và quan trọng nhất khi làm SGK là chọn được một tổng công trình sư có tư tưởng giáo dục rõ ràng và thuyết phục, có đủ tâm huyết với giáo dục, trăn trở với sự phát triển của đất nước, với tương lai của thế hệ trẻ và có đủ năng lực để triển khai công việc làm tổng chỉ huy việc biên soạn SGK.
Tổng công trình sư phải là một nhà giáo dục, thay vì một nhà giáo giỏi. Người đó sẽ đóng vai trò như người thiết kế và đảm bảo chất lượng chung của toàn bộ SGK, liên thông từ lớp 1 đến lớp 12, trong sự đồng bộ của tất cả các môn học khác nhau.
Thực tế cho thấy một nghìn thợ xây giỏi tập hợp lại cũng không thể thiết kế và chỉ huy xây dựng được một tòa nhà hiện đại. Tương tự như vậy, một nghìn nhà giáo giỏi tập hợp lại cũng không thể tạo ra một bộ SGK tốt, nếu không có một tổng công trình sư dẫn dắt.
Nhưng nhà giáo thì rất nhiều, còn nhà giáo dục rất hiếm. Nhà giáo dục tâm huyết với sự phát triển của đất nước, trăn trở với số phận của thế hệ trẻ lại càng hiếm. Đó là cái khó trong việc chọn tổng công trình sư cho việc biên soạn SGK. Tuy khó nhưng không thể không làm, nếu muốn có một bộ SGK tốt.
Sau khi đã chọn được tổng công trình sư, người này tập hợp đội ngũ, xác lập được triết lý giáo dục để làm định hướng, thiết lập bộ giá trị cốt lõi để làm khung tham chiếu, lựa chọn phương pháp giáo dục chủ đạo để truyền tải nội dung và cân bằng mối quan tâm của các bên liên quan đến bộ sách như giáo viên - học sinh, phụ huynh, nhà xuất bản, nhà quản lý, đặt trong một tầm nhìn khoảng 30 năm về sự phát triển của quốc gia và của thời đại.
Người tổng công trình sư này cũng đồng thời là người đào tạo và truyền cảm hứng cho toàn bộ nhóm viết SGK, sao cho tất cả các thành viên thấm nhuần tư tưởng và định hướng giáo dục của mình và của chương trình quốc gia, kiểm tra và giám sát tổng thể quá trình biên soạn sách, sao cho đảm bảo được chất lượng của bộ SGK, không chỉ theo yêu cầu của chương trình quốc gia mà còn hiện thực hóa được tư tưởng giáo dục của nhóm tác giả và đặc trưng riêng của từng môn học.
Đó là bước đầu tiên, cũng là bước quan trọng nhất, trong quy trình biên soạn ra một bộ SGK có chất lượng.
Giáo viên khối lớp 1 cùng ban giám hiệu Trường tiểu học Kỳ Đồng, Q.3, TP.HCM thảo luận cho SGK mới - Ảnh: NHƯ HÙNG
* Bộ GD-ĐT đang tiến hành làm SGK lớp 2 trở lên. Theo ông, bài học kinh nghiệm gì cần rút ra từ sự cố SGK tiếng Việt lớp 1, bộ Cánh diều?
- Với Bộ GD-ĐT, bài học quan trọng nhất là thẩm định SGK cần phải làm bài bản, khoa học và minh bạch hơn. Cụ thể, bản thảo của các bộ SGK cần được công bố rộng rãi để lấy ý kiến góp ý, bên cạnh phần góp ý của hội đồng thẩm định.
Với bộ SGK năm nay, bản thảo được bảo mật nên ngoài các tác giả và hội đồng thẩm định thì không ai biết nội dung SGK thế nào. Đến khi in ấn xong rồi, SGK cũng không được phát hành sớm tại nhà sách như các năm trước nên phụ huynh muốn mua cũng không được. Các chuyên gia cũng phải rất khó khăn mới có được sách biếu tặng để tham khảo và lựa chọn.
Có lẽ là vì các bộ SGK lớp 1 năm nay phải cạnh tranh nhau nên nội dung cần bảo mật? Nếu đúng vậy thì đây là một chi tiết rất dở, cần khắc phục bằng cách Bộ GD-ĐT chỉ đạo tất cả các bộ SGK cần công bố cùng một ngày để đảm bảo công bằng và lấy ý kiến nhận xét của giới chuyên môn và xã hội.
Còn về phía các tác giả, tôi cho rằng quy trình tổ chức biên soạn SGK cần phải khoa học và nghiêm túc hơn nữa. Nếu không, những sai sót đáng tiếc là không tránh khỏi.
Giúp trẻ hình thành tư duy phản biện
Với phụ huynh, nếu những người có điều kiện và đủ năng lực dạy con có thể mua thêm một bộ SGK khác để cho con tham khảo thêm, hầu chỉ ra cho con thấy: "À, cùng một nội dung mà có nhiều cách viết khác nhau".
Khi đó các sai lầm của một bộ SGK nào đó sẽ được pha loãng, đồng thời giúp trẻ hình thành tư duy phản biện khi tham chiếu nhiều bộ SGK khác nhau.
TS GIÁP VĂN DƯƠNG
---
Nguồn: Tuổi trẻ