Thứ Ba, 15 tháng 12, 2020

Tìm người thầy khai phóng ở đâu?

11 Tháng ba, 2018

Tiến sĩ Giáp Văn Dương lấy bằng Cử nhân Đại học Bách Khoa Hà Nội. Ông lấy bằng Tiến sĩ tại Đại học Công nghệ Vienna (Áo) ngành Vật lý Kỹ thuật (2006).

Sau một thời gian ngắn làm nghiên cứu sinh sau Tiến sĩ (postdoc) tại Áo, ông chuyển qua làm postdoc tại khoa Hóa học, Đại học Liverpool (Anh) từ 2007-2010, sau đó về Singapore làm nghiên cứu tại Temasek Laboratories, Đại học Quốc gia Singapore, từ 2010-2012. Từ 2013 đến nay, ông về Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.

TS Giáp Văn Dương cho rằng, giáo dục khai phóng cản trở lớn nhất không phải cơ sở vật chất, không phải nội dung chương trình, không phải kiến thức mà chính là những người thầy.

TS Giáp Văn Dương kể, cách đây nhiều năm, khi ông bắt đầu theo đuổi triết lý con người tự do là đích đến của giáo dục, nhiều người làm giáo dục khuyên ông nói tránh đi.

“Nhiều người nói với tôi là anh nói con người tự chủ thôi, đừng nói con người tự do, nói con người tự do nguy hiểm lắm, thế này, thế kia. Nhưng tôi vẫn theo đuổi triết lý đó”.

TS Giáp Văn Dương bắt đầu đưa ra đại chúng, báo chí khái niệm con người tự do là đích đến của giáo dục đó nhưng phải mất 5 năm, bốn chữ con người tự do mới xuất hiện “một cách dõng dạc, thẳng lưng” trên tiêu đề của mặt báo.

Triết lý đó đúc kết từ sự trải nghiệm, quan sát. TS Giáp Văn Dương cho hay ông là lớp sinh viên đầu tiên học chương trình giáo dục đại cương khi học ở Đại học Bách khoa Hà Nội. Như mọi sinh viên, ông phải thi vượt giai đoạn để đến năm thứ 3.

Dù trong lứa sinh viên học cùng hầu như không cóngười nào chuyển trường khác sau hai năm học đại học đại cương, nhưng nhìn lại TS Giáp Văn Dương cho rằng, giáo dục đại học đại cương thất bại.

Ở Đại học Bách khoa, chương trình học 5 năm nhưng trường chỉ đơn thuần cắt hai năm đầu tiên thành đại học đại cương, tức chỉ đơn thuần cắt một cách cơ học 5 năm thành hai giai đoạn: 2 năm và 3 năm. Giả sử nếu không tồn tại đại học đại cương thì sinh viên thời kỳ đó vẫn học ngần đó môn, không có gì khác.

“Đại học đại cương chỉ có ý nghĩa nếu như có nhiều lựa chọn hơn, một thực đơn nhiều món ăn hơn để các em chọn những món mình thích thì mới thành công.


Nhưng đằng này số món ăn, các môn vẫn như vậy thì việc cắt ra hay gộp vào chẳng có ý nghĩa gì cả vì đằng nào chúng tôi cũng phải học tất cả các môn như thế mới được ra trường”, TS Giáp Văn Dương phân tích.

Ông cũng chỉ ra sai lầm của giáo dục theo tín chỉ. Ý nghĩa của tín chỉ chỉ nằm ở chỗ có nhiều môn để sinh viên lựa chọn.

“Bây giờ vẫn ngần đó môn mà lại học theo tín chỉ thì không giải quyết được câu chuyện đó. Cuối cùng các em vẫn phải học y chang như niên chế, vì phải học xong các môn này mới xong môn khác. Cho nên tín chỉ cũng thất bại bởi vì chúng ta không có nhiều lựa chọn cho học sinh. Đại học đại cương thất bại một phần là như thế”.

Theo quan sát của ông, một vấn đề quan trọng là thời điểm lúc đó chưa thích hợp, thời điểm của nền công nghiệp thế giới nói chung, trong đó có Việt Nam và thế giới chưa sẵn sàng cho giáo dục theo tinh thần khai phóng.

Với thời kỳ cách mạng công nghiệp 1.0, lúc đó máy hơi nước ra đời và người dẫn dắt sự phát triển chung của kinh tế là kỹ sư cơ khí.

Khi cách mạng công nghiệp 2.0 phát triển, động cơ điện ra đời, lực lượng dẫn dắt sự phát triển là kỹ sư điện. Cách mạng công nghiệp 3.0 bắt đầu khi khoa học máy tính ra đời thì lực lượng dẫn dắt quan trọng nhất sự phát triển đó là kỹ sư về máy tính.

“Cách mạng 4.0 chỉ xuất hiện gần đây, lực lượng dẫn dắt không phải kỹ sư điện, không phải kỹ sư cơ khí, không phải kỹ sư máy tính nữa mà là người có khả năng tích hợp để tạo ra một hệ thống mới.

Đó là người kỹ sư tích hợp hệ thống, người giải quyết các vấn đề xã hội có nhiều kiến thức, kỹ năng khác nhau, chứ không phải một chuyên ngành cụ thể. Nên thời này giáo dục khai phóng với nền tảng giáo dục rộng rãi có cơ hội được thực hiện”.

Khai phóng hay Khai sáng?

Theo TS Giáp Văn Dương, có sự nhầm lẫn về hiểu biết giáo dục khai sáng, giáo dục khai phóng và đại học đại cương. Nếu đại học đại cương là cấp độ thấp nhất (general education) trong ba dòng, thì cao hơn là khai phóng, cao hơn nữa là khai sáng.

“Anh có được giáo dục đại cương chưa chắc anh có được giáo dục khai phóng, có giáo dục khai phóng chưa chắc anh có khai sáng, nhưng anh có khai sáng thì anh sẽ có khai phóng và đại cương. Nhưng, khai sáng là câu chuyện của cá nhân, bao giờ cũng gắn với cá nhân.

Muốn làm giáo dục khai sáng thì bắt buộc người thầy phải là người khai sáng. Còn khai phóng thì có thể làm ở dạng hệ thống, thông qua tổ chức nội dung chương trình. Vì thế, nếu tôi mở đại học, tôi cũng chọn giáo dục khai phóng. Hiện tại, tôi đang làm giáo dục khai sáng trong các chương trình tư vấn đào tạo của mình. Ba hướng ở cấp độ khác nhau sẽ tạo ra con người khai phóng, con người tự do”.

TS Giáp Văn Dương cho rằng, giáo dục khai phóng cản trở lớn nhất không phải cơ sở vật chất, không phải nội dung chương trình, không phải kiến thức mà chính là những người thầy.

“Muốn làm giáo dục khai phóng phải có những người thầy khai phóng. Nhưng các thầy dạy các môn trong trường khai phóng vẫn chỉ dạy một môn, không có trải nghiệm qua nhiều ngành nghề khác nhau, chỉ dạy một môn như thế thì kiếm đâu người thầy khai phóng dẫn dắt, truyền cảm hứng cho học sinh? Nếu không giải quyết được câu chuyện này giáo dục khai phóng sẽ thất bại”.