Chủ Nhật, 28 tháng 2, 2021

Dạy học trực tuyến theo phương pháp đồng kiến tạo


Những ngày qua, do dịch Covid-19 bùng phát trở lại, nhiều tỉnh thành đã triển khai việc học trực tuyến cho học sinh các cấp. Tuy không bị động như năm ngoái, nhưng các hạn chế về phương pháp giáo dục vẫn còn nguyên. Điều đó cho thấy, phương pháp dạy học trực tuyến, hay dạy học trực tuyến sao cho hiệu quả, là một vấn đề còn bỏ ngỏ.

Là một phụ huynh, cũng là một người làm giáo dục nên tôi có thể quan sát việc dạy học trực tuyến này từ nhiều góc độ khác nhau. Vì thế, tôi trao đổi tại đây một số ý kiến ngắn gọn liên quan đến việc dạy học trực tuyến. Hy vọng việc này sẽ giúp giáo viên, phụ huynh, học sinh cải thiện phần nào chất lượng dạy và học trực tuyến trong thời gian nghỉ tránh dịch này.

1. Về thiết bị, phần mềm và internet: Đây là phần dễ nhất trong dạy học trực tuyến. Thông thường, chỉ cần một máy tính, laptop hoặc máy tính bảng nối mạng với internet, và sử dụng các phần mềm như Zoom hoặc Google Meet, Microsoft Teams là đã đủ để triển khai dạy học trực tuyến. Lúc đầu giáo viên, học sinh và phụ huynh có thể bỡ ngỡ, nhưng sau khi được hướng dẫn thì thường chỉ sau một buổi là học sinh đã sử dụng thông thạo, tự đăng nhập và tham gia lớp học, kể cả học sinh lớp 1.

2. Về việc hỗ trợ và giám sát học sinh: Hiện chưa có quy định cứng tuổi nào thì được sử dụng internet, nhưng các nhà cung cấp dịch vụ trên mạng thường chọn mức 13 tuổi. Dưới tuổi này, khi sử dụng internet thì trẻ thường được yêu cầu phải có người giám hộ. Ví dụ: Khi đăng ký email hay tài khoản mạng xã hội, nếu dưới 13 tuổi, thì tài khoản của trẻ phải gắn với tài khoản của bố mẹ.

Vì trẻ ở bậc Tiểu học dưới 13 tuổi, nên về nguyên tắc, khi học qua internet, phải có người lớn giám sát trẻ. Điều này không có nghĩa là phải có người lớn ngồi học cùng, mà tài khoản mà trẻ sử dụng phải được giám sát qua tài khoản của phụ huynh, và tốt nhất là trẻ phải ở trong tầm mắt của người lớn khi sử dụng internet. Điều này sẽ đảm bảo phần nào an toàn cho trẻ nhỏ khi lên mạng internet.

3. Về thời lượng học tập trực tuyến: Các nghiên cứu về giáo dục trực tuyến cho thấy, khi tự học qua các video clip thì thời gian tập trung để xem video clip của người học nằm trong khoảng 5-7 phút. Sau đó người học sẽ mất tập trung và bỏ dở clip về bài học đang xem. Đây chính là rào cản lớn nhất làm cho giáo dục trực tuyến không được hiệu quả như mong đơi, dù rất tiện lợi cho cả người dạy và người học.

Khi dạy trực tuyến qua Zoom, Meet, Teams thì do có sự tương tác trực tuyến, thời gian tập trung của trẻ có thể kéo dài gấp đôi, tức khoảng 10-15 phút tùy lứa tuổi. Sau thời gian này, trẻ cần được nghỉ giữa giờ, hoặc chuyển hoạt động, trước khi tập trung học tập trở lại.

Các nghiên cứu về khả năng tập trung của con người cũng cho thấy, khoảng thời gian để một người trưởng thành tập trung là từ 25-30 phút. Chính vì thế, kỹ thuật Pomodoro, một kỹ thuật nâng cao năng suất làm việc phổ biến, đã yêu cầu chia nhỏ thời gian làm việc thành từng phiên, mỗi phiên kéo dài 25 phút. Sau mỗi phiên thì người làm sẽ nghỉ 5 phút, và sau 4 phiên thì nghỉ 15-20 phút.

Như vậy, khi dạy trực tuyến thì giáo viên phải bố trí nghỉ giữa giờ ngay trong một tiết học, để trẻ không phải học liên tục quá 15-17 phút với bậc Tiểu học và 20-25 phút với bậc trung học. Trong mỗi khoảng nửa tiết đó, giáo viên lại phải chia thành các khoảng thời gian nhỏ hơn nữa, sao cho trẻ chỉ phải tập trung học trong khoảng 7-10 phút, rồi chuyển sang hoạt động khác trong 7-10 phút tiếp theo. Đó có thể là thực hành, làm bài tập hoặc trò chơi liên quan đến nội dung môn học. Trong đó, phần trò chơi môn học nên được sử dụng thường xuyên để giữ kết nối với trẻ.

Nếu không làm được như vậy, chỉ sau khi học 10-15 phút là trẻ sẽ mất tập trung và ngáp liên tục, thậm chí mắt chảy nước, mặt mũi bơ phờ. Nếu giáo viên thấy học sinh ngáp thì đó là chỉ dấu cho thấy bài học nhàm chán, hoặc thời lượng đã quá dài nên trẻ mất tập trung.

Trong trường hợp giáo viên không nhận ra, hoặc không quan tâm nên cứ tiếp tục dạy, thì trẻ được quyền xin phép đứng dạy để vận động trong khoảng 2-3 phút. Phụ huynh cũng nên nhắc con mình làm như vậy. Vì suy cho cùng, sức khỏe thể chất và sức khỏe tâm thần là quan trọng nhất.

Đó là về thời lượng của một tiết học. Còn về thời lượng của buổi học thì theo tôi, mỗi buổi không nên học quá 2 tiết, tức mỗi ngày không nên quá 4 tiết. Cho trẻ học trực tuyến quá nhiều sẽ gây ra mệt mỏi và phản tác dụng.

4. Về nội dung và mục tiêu bài học: Khi triển khai dạy trực tuyến thì chương trình sẽ được rút gọn và điều chỉnh lại. Vì thế, nội dung và mục tiêu bài học cũng cần được thiết kế lại cho tinh và gọn. Khi đó, ưu tiên quan trọng nhất là giúp cho học sinh nắm được tinh thần chủ đạo của môn học, kiến thức lõi của từng chương/bài chứ không nên ôm đồm và sa quá nhiều vào chi tiết, gây rối và tốn thời gian không cần thiết.

Thường thì giáo viên sẽ bỏ qua phần hiểu và cảm được tinh thần chủ đạo của môn học, để đi vào các nội dung chi tiết theo phân phối chương trình cứng nhắc và định sẵn. Nhưng phần hiểu và cảm nhận tinh thần chung của môn học, của mỗi chương/bài rất quan trọng. Dạy học hay dở ra sao, thành bại thế nào, chính là ở chỗ người thầy có giúp học trò hiểu và cảm được cái ‘thần’ của môn học, của chương/bài hay không, chứ không phải ở việc hoàn thành hết các bài tập, hoặc học thuộc lòng nội dung của bài.

5. Về phương pháp giảng dạy: Cho đến nay chưa có phương pháp giảng dạy trực tuyến chính thức nào được nghiên cứu, kiểm chứng và đưa vào giảng dạy phổ biến. Nhưng theo kinh nghiệm của tôi, phương pháp dạy trực tuyến hiệu quả phải là phương pháp mang lại niềm vui khi dạy-học và giúp khắc phục được điểm yếu nhất của dạy học trực tuyến: Đó là sự suy giảm, hoặc đánh mất kết nối, giữa người dạy và người học.

Vì thế, tôi cho rằng, khi dạy học trực tuyến, thay vì áp đặt kiến thức và nội dung bài học, thì giáo viên cần sử dụng tiếp cận ĐỒNG KIẾN TẠO để giảng dạy. Đây là một cách tiếp cận, một con đường triển khai giáo dục, nhưng để đơn giản thì tôi thường gọi tắt là phương pháp đồng kiến tạo.

Theo đó, học sinh được trao quyền, trao cơ hội và tạo điều kiện để khám phá và hình thành nhận thức cho chính mình, bao gồm: các tri thức cụ thể, kỹ năng tư duy, nhân sinh quan, thế giới quan, thái độ sống….

Nói cách khác, học sinh phải được quyền tham gia quá trình hình thành, thảo luận, kiểm chứng, lựa chọn, xác lập… những gì tồn tại trong đầu óc của chính mình và làm chủ nó.

Thông qua đó, học sinh từng bước tạo ra chính mình. Vì tạo ra chính mình nên luôn được sống thật với chính mình. Vì luôn được sống thật với chính mình nên luôn vui vẻ và hạnh phúc, từ đó có được niềm vui và sự háo hức trong học tập.

Như thế, tiếp cận đồng kiến tạo, hay phương pháp đồng kiến tạo, giúp tạo ra một môi trường giáo dục đích thực mà ở đó cả thầy và trò được dạy thật, học thật, thi thật và sống thật, trong sự tương thông, chia sẻ và tôn trọng. Điều này tạo ra sự vui vẻ, hạnh phúc và sự háo hức trong hành trình trình khám phá tri thức và hình thành nhận thức, tức từng bước tạo ra chính mình.

Những kinh nghiệm của tôi cho thấy, tiếp cận đồng kiến tạo không chỉ hiệu quả khi giảng dạy trực tiếp, mà khi áp dụng và dạy học trực tuyến, cách tiếp cận này cũng phát huy tác dụng rất tốt.

Vì lẽ đó, sử dụng tiếp cận đồng kiến tạo là một trong những giải pháp giúp nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt khi phải dạy học trực tuyến khi nghỉ tránh dịch này.

Giáp Văn Dương
---
Ghi chú: Bài đã đăng trên Zing.vn, ngày 25/2/2021.

Thứ Ba, 22 tháng 12, 2020

Vì sao giảng dạy môn Tiếng Anh thất bại?


Mới đây, Tổ chức Education First chuyên xếp hạng mức độ thành thạo tiếng Anh của các quốc gia đã xếp hạng Việt Nam ở mức 65/100 quốc gia, tức tụt 13 bậc so với năm 2019.

Qua đó chúng ta thấy: Chất lượng dạy và học Tiếng Anh đang là một trong những điểm đáng lo ngại nhất của giáo dục Việt Nam.

Quan sát phổ điểm thi tốt nghiệp môn Tiếng Anh trong khoảng 20 năm qua, tôi thấy năm nào điểm trung vị cũng dao động quanh mức 4 – 5 điểm.

Tiếp xúc và tuyển sinh các sinh viên mới tốt nghiệp đại học, tôi thấy trình độ Tiếng Anh của phần lớn các em cũng không cải thiện nhiều so với mười năm về trước.

Chuyện gì đã xảy ra vậy, khi biết bao nguồn lực của gia đình và xã hội được đổ vào môn Tiếng Anh? Chưa kể Bộ GD & ĐT còn có cả một đề án rất lớn về dạy và học ngoại ngữ triển khai trong suốt 12 năm qua mà kết quả cũng không cải thiện được bao nhiêu.

Vậy đâu là nguyên nhân, và liệu có cách nào để khắc phục tình trạng này?

Để trả lời câu hỏi này, có lẽ phải viện dẫn đến “Nguyên lý Anna Karenina” (theo cách nói của J. Diamond), lấy cảm hứng từ câu đầu tiên trong tiểu thuyết cùng tên của Tolstoy, để đưa ra một nhận định khái quát: Các quốc gia thành công trong việc dạy Tiếng Anh đều giống nhau, còn các quốc gia thất bại trong việc dạy Tiếng Anh thì thất bại theo cách của riêng mình.

Thật vậy, để thành công trong việc dạy Tiếng Anh trong hệ thống giáo dục, một quốc gia phải đảm bảo thành công đồng thời các yếu tố sau:
  1. Có tinh thần cởi mở và đón nhận Tiếng Anh. Không kỳ thị Tiếng Anh và những giá trị và đặc trưng văn hóa mà Tiếng Anh mang trong mình.
  2. Có chính sách giáo dục và thi cử cần hiệu quả và có tác dụng thúc đẩy đối với việc học môn Tiếng Anh trong nhà trường và ngoài xã hội;
  3. Có các bộ sách giáo khoa, giáo trình đủ tốt để giảng dạy trong nhà trường và ngoài xã hội;
  4. Có đội ngũ giáo viên đủ giỏi và đủ hiểu về dạy và học môn Tiếng Anh để triển khai việc giảng dạy;
  5. Các đặc trưng ngôn ngữ môn Tiếng Anh như phát âm, cấu trúc ngữ pháp không được xung đột quá mức với các đặc trưng của tiếng mẹ đẻ;
  6. Có đủ nguồn lực để đầu tư cho việc dạy và học Tiếng Anh đủ đạt ngưỡng nhất định để có thể sử dụng;
  7. Có môi trường khuyến khích việc sử dụng Tiếng Anh trong học tập và làm việc, cả trong gia đình, nhà trường và xã hội;
  8. Có cơ chế tưởng thưởng và thăng tiến cho những người giỏi Tiếng Anh và có thể sử dụng Tiếng Anh trong công việc, trong cả khu vực tư và khu vực công;
Để thành công trong việc dạy môn Tiếng Anh thì phải thành công đồng thời cả 8 yếu tố này. Còn để thất bại, thì chỉ cần thất bại một vài trong số 8 yếu tố trên là sẽ thất bại. 

Qua góc nhìn đó, ta thấy: Chúng ta chưa thành công nhiều trong số các yếu tố nêu trên. Có thể điểm qua như sau:
  • Chất lượng nhân sự liên quan đến các chương trình Tiếng Anh còn yếu. Những người làm chính sách dạy và học Tiếng Anh, chỉ đạo biên soạn SGK môn Tiếng Anh cũng chưa thực sự giỏi và hiểu cách dạy và học Tiếng Anh.
  • Cách triển khai các chương trình dạy và học môn Tiếng Anh vẫn tiến hành như các đề án giải ngân, nặng tính hình thức và phong trào mà ít xét đến các hiệu quả thực tế.
  • Sách giáo khoa dạy môn Tiếng Anh trong hệ thống giáo dục phổ thông còn chịu quá nhiều ràng buộc trong quá trình biên soạn nên chất lượng rất kém.
  • Cách thức thi cử ở phổ thông, đặc biệt là thi tốt nghiệp THPT và thi vào Đại học, tạo điều kiện cho các học sinh không cần khá ngoại ngữ vẫn có thể thi đỗ nên không cần học.
  • Đội ngũ giáo viên dạy môn Tiếng Anh còn thiếu và yếu. Nhiều thầy cô chỉ có thể dạy từ vựng và ngữ pháp chứ không thực sự sử dụng được Tiếng Anh trong giao tiếp và trong công việc.
  • Thời lượng của môn học Tiếng Anh trong nhà trường còn quá ít để có thể đạt ngưỡng có thể sử dụng được Tiếng Anh trong đời sống thực.
  • Môi trường xã hội chưa thực sự khuyến khích việc sử dụng Tiếng Anh trong học tập và làm việc hàng ngày.
  • Cơ chế tưởng thưởng và thăng tiến cho nhân sự thành thạo Tiếng Anh còn nặng tính hình thức và chưa rõ ràng, nên thay vì giỏi Tiếng Anh, nhân sự chỉ cần trình chứng chỉ môn học là có thể được.
Vậy làm cách nào để có thể cải thiện tình trạng này? Nói hết lẽ thì sẽ rất dài, nhưng ngắn gọn thì có thể tóm lược trong một câu: Cần có chiến lược và chính sách đưa Tiếng Anh vào sử dụng trong học tập và làm việc hàng ngày. 

Điều này có nghĩa: Với nhà trường, cần cho phép sử dụng các bộ sách giáo khoa Tiếng Anh để học tập hàng ngày. Với báo chí cần sử dụng Tiếng Anh để truyền thông. Với công sở, cần sử dụng Tiếng Anh để làm việc và có cơ chế tưởng thưởng xứng đáng.

Nếu không, việc dạy và học Tiếng Anh sẽ chỉ như dạy và học một môn học thông thường, tập trung vào việc nhớ và hiểu từ vựng và ngữ pháp, chứ không phải là một thực hành ngôn ngữ hàng ngày, trong học tập và làm việc, để đạt được sự thành thạo như mong đợi.

Giáp Văn Dương
---

Một phiên bản rút gọn của bài này đã đăng trên báo Thanh Niên, ngày 8/12/2020.

Không để mắc lỗi trong thẩm định sách giáo khoa lớp 2 và lớp 6

 Thứ Bảy, 12-12-2020, 05:02

Hội đồng thẩm định chất lượng các bộ Sách giáo khoa lớp 2. Ảnh: HÀ LINH

Sách giáo khoa (SGK) lớp 2 và lớp 6 đang trong quá trình thẩm định để chuẩn bị đưa vào giảng dạy từ năm học 2021 - 2022. Ðiều dư luận quan tâm là quy trình thẩm định các bộ SGK này và các lớp còn lại được thực hiện ra sao để tránh lỗi.

Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT) đang thẩm định lựa chọn SGK mới lớp 2 và lớp 6 nhằm tiếp nối triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Theo các chuyên gia giáo dục, quy trình thẩm định phải được thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ và bài bản, tuyệt đối không “nể nang”, nhân nhượng trong quá trình đối thoại với nhóm tác giả. Chuyên gia giáo dục Giáp Văn Dương cho biết: Yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất chính là trình độ chuyên môn và tinh thần làm việc trách nhiệm, cầu thị của các tác giả. Thứ hai là tiến hành dạy thực nghiệm sách đúng và đủ, rút kinh nghiệm và hoàn thiện bản thảo. Thứ ba là việc thẩm định phải được tiến hành công tâm, khoa học bởi các chuyên gia uy tín và am hiểu giáo dục. Cuối cùng, lấy góp ý của giới chuyên gia ngoài nhóm tác giả và hội đồng thẩm định để có cái nhìn đa chiều hơn.

Nhiều giáo viên lớp 1 cũng chia sẻ, mặc dù trước đây, giáo viên đã có trong tay bộ sách do nhà trường lựa chọn, nhưng do thời gian nghiên cứu không nhiều cho nên khi vào thực tế dạy mới phát hiện ra những điểm bất hợp lý. Vì vậy, giáo viên một trường tiểu học ở thị trấn Diêm Ðiền, tỉnh Thái Bình mong muốn được kéo dài thời gian nghiên cứu bộ sách và có thời gian để giáo viên dạy thực nghiệm thay vì một số tiết dạy minh họa như trước đây. Ðồng thời, đề xuất Bộ GD và ÐT phân cho mỗi tỉnh nghiên cứu, dạy thực nghiệm theo từng tuần, như vậy việc tiếp cận sách sẽ sâu hơn và dễ dàng phát hiện những lỗi không đáng có. Ngoài ra, tổ chức trưng cầu ý kiến của giáo viên trực tiếp đứng lớp.

Ðồng quan điểm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Thị Quyên Thanh đề nghị: Ðối với SGK lớp 2, lớp 6, ngoài lấy ý kiến của những chuyên gia đầu ngành về chuyên môn, giảng viên các trường đại học, giáo viên trong Hội đồng thẩm định quốc gia, Bộ cần lấy ý kiến của giáo viên, những người trực tiếp đứng lớp giảng dạy. Ðây là kênh thông tin quan trọng từ thực tế giúp cơ quan quản lý và hội đồng thẩm định có sự lựa chọn sát hơn. Phó Giám đốc Sở GD và ÐT Vĩnh Phúc, Phạm Khương Duy mong muốn các bộ SGK tới đây phải ưu việt hơn SGK hiện hành. Ðể làm được điều đó các tác giả cần đầu tư khoa học, chỉn chu về nội dung, chỉ chỉnh sửa, bổ sung một số môn học có những thay đổi cần thiết. Một số cần được mang tính cố định theo vòng đời của SGK. Ngoài ra, các tác giả thiết kế SGK bao trùm toàn bộ kiến thức và bài tập để tránh tình trạng phải mua thêm sách bài tập dẫn đến sự lãng phí không cần thiết, gây áp lực về tài chính cho phụ huynh học sinh.

Ðể quy trình biên soạn, thẩm định SGK chặt chẽ, công bằng, minh bạch hơn, Bộ GD và ÐT sẽ thực hiện những bước điều chỉnh quan trọng trong công tác thẩm định. Theo Thứ trưởng GD và ÐT Nguyễn Hữu Ðộ, nếu như trước đây, các nhà xuất bản phối hợp tác giả chủ động tổ chức việc thực nghiệm thì tới đây sẽ có sự tham gia chỉ đạo, phối hợp của Bộ. Bên cạnh đó, trước khi gửi lên Bộ để thẩm định, các nhà xuất bản phải tổ chức thẩm định sơ bộ tại đơn vị để đánh giá, rà soát chất lượng SGK, nhằm nâng cao chất lượng bản mẫu. Một điểm mới đáng chú ý sẽ mở rộng thêm đối tượng góp ý cho bản mẫu SGK. 

Theo đó, các sở GD và ÐT tổ chức cho giáo viên dạy các môn học, hoạt động giáo dục tham gia góp ý các bản mẫu SGK lớp 2 và lớp 6. Trong đó, đợt 1, mỗi sở GD và ÐT chọn cử 10 giáo viên/môn học để nghiên cứu, góp ý các bản mẫu SGK qua trang thông tin điện tử của các nhà xuất bản. 

Sau đó, các địa phương tổng hợp góp ý, báo cáo về Bộ GD và ÐT. Ở đợt 2, tất cả giáo viên được cử dạy lớp 2, lớp 6 sẽ tham gia góp ý cho bản mẫu SGK đã được các nhà xuất bản hoàn thiện sau góp ý đợt 1. Ðồng thời, các cơ sở giáo dục đưa việc tìm hiểu nội dung các bản mẫu SGK vào sinh hoạt tổ chuyên môn để nghiên cứu, góp ý. Ðợt 3, giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục tìm hiểu, góp ý một lần nữa các bản mẫu SGK đã được các nhà xuất bản hoàn thiện, đưa lên trang thông tin điện tử trước khi in và phát hành.

Bộ GD và ÐT lưu ý hội đồng thẩm định cần nắm chắc, bám sát chương trình tổng thể, từng môn học và bảo đảm độ tương đồng giữa SGK và chương trình.

QUỲNH NGUYỄN và TIẾN ÐỨC
---

Thứ Tư, 16 tháng 12, 2020

Chia sẻ với Trạm Đọc


 


Một số chia sẻ cá nhân về sách và việc đọc sách với Trạm Đọc, tháng 12/2020. 

Thứ Ba, 15 tháng 12, 2020

Khai mạc Trường hè Khoa học Việt Nam lần thứ 8

Ngày hôm nay, 28/11/2020, Trường Khoa học Việt Nam 2020 - VSS'08 đã chính thức khai mạc tại Trung tâm quốc tế Khoa học và giáo dục liên ngành ICISE với chủ đề "Vượt lên biến động".

Hy vọng rằng các bạn học viên sẽ có một khoảng thời gian học tập bổ ích với tinh thần nhiệt huyết nhất từ những điều các anh/chị giảng viên chia sẻ trong các buổi học.




---
Nguồn: Trường Khoa học Việt Nam 2020 - VSS'08

Chúc mừng con gái nhập trường!

Thay vì du học, con đã chọn học ở Việt Nam. Thay vì bay bổng với Philosophy hoặc Education Science như dự định, thì con lại đi trên mặt đất với Business Administration.


Với bố mẹ, việc con chọn học ở nhà là một điều tốt lành. Con đã có những trải nghiệm của cuộc sống bên ngoài, đã có bạn bè và kết nối, thì khi trở về, điều quan trọng hơn là thấu hiểu cuộc sống ở đây và thấm đẫm nền văn hóa của mảnh đất này.

Những điều đó cần thời gian và trải nghiệm, cần kết nối với gia đình và tổ tiên, văn hóa và lịch sử. Như men rượu nồng, không thể một sớm một chiều mà có được.

Nhớ lại ngày nào khi gia đình mình trở về, con tiếng Việt còn chưa thạo, đã gặp rất nhiều khó khăn để hội nhập, không chỉ trong việc học mà còn cuộc sống nói chung.

Việc học của con có lúc tưởng chừng đứt gánh giữa đường. Nhưng con đã từng bước vượt qua, từng bước hội nhập, và đã bắt đầu tập sự làm được một vài điều hữu ích.

Những kết quả khiêm tốn đó, một phần là nhờ sự cố gắng của con. Phần còn lại là nhờ sự động viên của gia đình và các thầy cô, bè bạn.

Xin cảm ơn các thầy cô ở các trường mà con đã đi qua: Tô Hoàng, Vinschool, HN-Amsterdam, đã dạy dỗ con trong suốt những năm qua.


Cảm ơn gia đình đã luôn ở bên cạnh. Cảm ơn các bạn đã đồng hành và trưởng thành cùng con trong những năm tháng học trò.

Từ ngày hôm nay, cuộc sống là của riêng con. Câu chuyện cuộc đời sẽ do con tự viết, hay dở thế nào sẽ do con tự chịu trách nhiệm.

Bố mẹ không mong muốn gì hơn là con khỏe mạnh, duy trì nội quy và văn hóa gia đình, sớm tìm được con đường đi riêng của mình và biết cách tạo ra chính mình.

Trên hành trình đó, con vẫn có gia đình, thầy cô và bè bạn ở bên cạnh để chia sẻ; có những dự định tương lai và khát vọng của tuổi trẻ để dẫn dắt.

Chúc con sang chặng đường mới bình an, may mắn và hạnh phúc!
---
P/S: 1. Con có thể trở về ăn cơm với bố mẹ bất cứ lúc nào. 2. Cuộc đời có nhiều bất ngờ. Việc học của con cũng không ngoại lệ. Cứ ngỡ giờ này, con đang học một trường bên Mỹ. Ai ngờ Covid-19 đã làm thay đổi mọi kế hoạch. 

Về một bi kịch mới trong giáo dục

 GIÁP VĂN DƯƠNG 08.06.2020, 05:54

TTCT - Những vụ việc căng thẳng, xung đột gần đây liên quan tới học phí trong các trường quốc tế, trong quan hệ giữa giáo viên - học sinh - phụ huynh ở nhiều nơi... là những chỉ dấu rõ ràng cho một mối quan hệ đã có những trục trặc nghiêm trọng ở bên trong. Nguồn cơn của nó từ đâu?

Về một bi kịch mới trong giáo dục
 

Hai năm trở lại đây, tôi thường xuyên theo dõi thông tin về các trường học và mối quan hệ giữa phụ huynh - nhà trường, nghĩ về mối quan hệ này với những thăng trầm đủ cung bậc.

Trước đây, mối quan tâm lớn nhất của tôi là những vấn đề nội tại của giáo dục, như triết lý, chương trình và những chuyển động trong chính sách giáo dục, thì nay còn có thêm những điều cụ thể, gần gũi hằng ngày, nhất là mối quan hệ giữa phụ huynh và nhà trường. Lý do là hai năm gần đây, tôi trực tiếp làm giáo dục theo nghĩa cụ thể nhất: tham gia mở trường học ngoài công lập.

Trải nghiệm của tôi về giáo dục, vì thế cụ thể và trực tiếp hơn trước rất nhiều. Những vấn đề về giáo dục mà tôi phải xử lý cũng mở rộng hơn, bao gồm cả những chuyện cơm - áo - gạo - tiền hằng ngày. Đó là những trải nghiệm cá nhân quý giá giúp tôi bước thẳng vào thực tế mà bất cứ nhà giáo dục hiện đại nào cũng phải đối mặt, nhà quản lý giáo dục nào cũng phải quan tâm, và phụ huynh nào cũng phải bận tâm.

Tôi thấy được, từ khoảng cách thật gần, những diễn biến trong mối quan hệ giữa phụ huynh và nhà trường ở khu vực giáo dục ngoài công lập. Đứng giữa mối quan hệ đó, tôi thậm chí có lúc lâm vào thế éo le, không thể bảo vệ quan điểm của mình giữa các xung đột về lợi ích.

May mắn là tôi vẫn được phụ huynh yêu quý và tin tưởng. Tất cả, sau cùng, giúp tôi hiểu được: mối quan hệ giữa phụ huynh và nhà trường là mối quan hệ sống còn với các trường ngoài công lập. Mối quan hệ này có tốt thì trường mới ổn định và phát triển bền vững được.

Vì vậy, tôi sẽ tập trung vào diễn biến gần đây của mối quan hệ này, như đã quan sát được, để nhận diện cội rễ một vấn đề mà tôi cho là lệch lạc trong giáo dục, hi vọng ta sẽ cùng nhau tìm được cách giải quyết.

Đã từng thiêng liêng

Mối quan hệ giữa phụ huynh và nhà trường là mối quan hệ rường cột, cơ bản trong xã hội và trong mọi nền giáo dục. Với các trường ngoài công lập, như trường tư thục và quốc tế, mối quan hệ này lại càng trở lên quan trọng.

Vì sao? Vì các trường đã và đang phải cạnh tranh nhau gay gắt để tồn tại và phát triển. Phụ huynh là người giữ quyền tối thượng trong việc lựa chọn trường cho con em mình học. Họ lựa chọn bằng đầu. Và họ còn có thể lựa chọn bằng chân: khi không ưng ý, họ chuyển con sang trường khác.

Vì thế, chất lượng mối quan hệ phụ huynh - nhà trường này quyết định sự sống còn của một ngôi trường và rất quan trọng với chất lượng giáo dục. Lý do là nó ảnh hưởng và trực tiếp góp phần tạo ra văn hóa học đường của nhà trường, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý của giáo viên và học sinh, đến vận hành của nhà trường.

Nhìn lại quá khứ, ta thấy từng có một thời gian rất dài, quan hệ giữa phụ huynh và giáo viên/nhà trường là mối quan hệ thiêng liêng. Phụ huynh tin tưởng hoàn toàn các thầy cô và nhà trường, gần như giao phó việc giáo dục con cái mình cho nhà trường mà không cần kiểm tra và dè chừng lẫn nhau.

Chúng ta có thể cảm nhận được sự thiêng liêng này trong mấy chữ “Tôn sư trọng đạo” hay trong các nhận định xã hội như “Nghề giáo là nghề cao quý nhất”, thậm chí trong cả những câu ca dao đậm chất dân gian như “Muốn sang thì bắc cầu Kiều / Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”.

Nhà trường khi đó là của các thầy cô. Việc giáo dục tại trường là do các thầy cô chịu trách nhiệm. Phụ huynh chỉ cần chọn trường tốt hoặc đơn giản là gần nhà rồi gửi con đến trường, hầu như không có nhu cầu can thiệp sâu vào chuyên môn và việc quản trị vận hành nhà trường.

Nhưng mấy năm trở lại đây, mối quan hệ này ngày càng gặp nhiều sóng gió. Sự bất đồng giữa phụ huynh và nhà trường càng ngày càng nới rộng. Niềm tin của hai bên ngày càng suy giảm. Lẽ ra phải hợp tác với nhau để đi cùng trên một con đường thì phụ huynh và giáo viên/nhà trường như đang bị đẩy sang hai chiến tuyến.

Thay vì là đối tác giáo dục, ở nhiều nơi phụ huynh và nhà trường lại đối đầu nhau trong nhiều vấn đề, thậm chí sẵn sàng đưa nhau ra tòa phân xử đúng sai, thua thắng.

Chúng ta có thể cảm nhận được sự bất đồng và mất niềm tin vào nhau này qua các cuộc họp phụ huynh đầy căng thẳng, các cuộc biểu tình của phụ huynh trước cổng trường, các ồn ào trên mạng xã hội, và có thể cả những đắng cay mà cả hai bên đều đang gánh chịu nhưng không phải lúc nào cũng có thể giãi bày.

Hệ quả là một môi trường giáo dục bị biến dạng, văn hóa học đường bị ảnh hưởng, một bi kịch mới trong giáo dục bắt đầu hình thành. Đó là bi kịch về sự xuống cấp của một mối quan hệ đã từng là thiêng liêng, nay bỗng suy thoái thành chuyện giao kèo mua bán đơn thuần.

Sự thay đổi đó làm cả người trong cuộc và ngoài cuộc, cả người quan tâm đến giáo dục, thấy đau lòng.

Nguồn cơn của vấn đề

Nhiều người tự đặt câu hỏi và đi tìm câu trả lời cho nguồn cơn của vấn đề, xem vì đâu mà mối quan hệ giữa phụ huynh và nhà trường ở một số nơi lại bị biến dạng đến kỳ quặc như vậy? Người thì cho rằng đó là do thời đại kim tiền, đạo đức xã hội suy đồi nên lan cả vào nhà trường, làm hỏng môi trường giáo dục.

Người lại bảo là do nhà trường tận thu, chỉ biết kinh doanh, thiếu cam kết, nuốt lời với phụ huynh nên mới thế. Người khác lại nói là do phụ huynh ngày càng ghê gớm, lúc nào cũng thích giám sát, can thiệp vào công việc chuyên môn và quản lý của nhà trường.

Những ý kiến này tựu trung đều quy nguyên nhân về sự yếu kém, hoặc quá quắt, hoặc bất cập, của một trong các bên trực tiếp liên quan, đó là phụ huynh hoặc nhà trường. Trong trường hợp không thể quy kết cho bên nào một cách rõ ràng thì quy chung chung cho xã hội hoặc tình trạng đạo đức suy đồi.

Là một người làm giáo dục, tôi cho rằng đây chỉ là bề nổi của câu chuyện, mỗi người đứng ở một góc nhìn, ắt cho ra các nhận định khác nhau, dẫn đến phản ứng khác nhau khi phải đối mặt với mối quan hệ đầy căng thẳng này.

Nguyên nhân thực sự của tình trạng này bắt nguồn từ một thứ trừu tượng hơn, vì thế cũng khó chữa hơn rất nhiều: Đó là một quan niệm đang phổ biến trong cả phụ huynh và những người làm giáo dục, rằng giáo dục là một dịch vụ.

Nói cách khác, cả phụ huynh và những người quản lý nhà trường đều cho rằng nhà trường là nơi cung cấp dịch vụ giáo dục cho học sinh, phụ huynh là người trả tiền cho con em mình sử dụng dịch vụ đó.

Chúng ta có thể thấy điều này hiển hiện rõ ràng trong các bản thỏa thuận nhập học hoặc các quy định tài chính của nhà trường. Ở đó thường xuyên xuất hiện điều khoản có nội dung: Nếu phụ huynh vi phạm điều A, điều B (ví dụ: đóng học phí và các khoản phí thiếu và trễ hạn) thì nhà trường sẽ dừng cung cấp dịch vụ giáo dục cho học sinh.

Ngay cả ở cấp chính sách vĩ mô, như các thỏa thuận khi gia nhập WTO, cũng có những điều khoản liên quan đến việc mở cửa thị trường giáo dục.

Như thế, bản thân các nhà quản lý của trường học, và cả phụ huynh, đã cho rằng giáo dục là một thị trường, một dịch vụ, tương tự các dịch vụ thông thường khác trên thị trường.

Thoạt nghe thì điều này có vẻ có lý. Và trên thực tế, nhiều người đã đấu tranh cho sự tồn tại của thị trường giáo dục, coi giáo dục như một dịch vụ đặc biệt, vì thế cần tuân thủ các quy luật của thị trường.

Vấn đề bắt đầu xuất hiện khi người ta quên hai chữ “đặc biệt”, chỉ còn hai chữ “dịch vụ”, tức coi giáo dục là một dịch vụ thuần túy, tương tự các dịch vụ thông thường khác. Thiếu hai chữ “đặc biệt” đó, giáo dục chuyển sang một hướng hoàn toàn khác. Và bi kịch mới trong giáo dục, trong trường hợp này là sự đổ vỡ của mối quan hệ giữa phụ huynh và nhà trường, bắt đầu xuất hiện.

Về phía nhà trường, do quan niệm giáo dục là một dịch vụ nên hiển nhiên nhà trường sẽ mong muốn cung cấp một dịch vụ tốt nhất, phục vụ tốt nhất cho các khách hàng của mình. Điều này hoàn toàn đúng với các dịch vụ thông thường, nhưng với giáo dục thì lại sai, để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng.

Về một bi kịch mới trong giáo dục
 

Không phải là dịch vụ thuần túy

Khi coi nhà trường là nơi cung cấp dịch vụ giáo dục, các nhà quản lý, một cách tự nhiên và bản năng, muốn kiểm soát chất lượng dịch vụ một cách toàn diện, sao cho có được chất lượng dịch vụ tốt nhất và có rủi ro thấp nhất.

Bằng chứng cho điều này là các nhà quản lý giáo dục bắt đưa các công cụ quản lý doanh nghiệp vào trong nhà trường như KPI, hệ thống tiêu chuẩn, các bộ quy trình vận hành... Ngôn ngữ quản trị doanh nghiệp và quản lý giáo dục bắt đầu xuất hiện dày đặc trong ngôn ngữ quản trị của nhà trường.

Với một doanh nghiệp kinh doanh thuần túy thì điều này là tốt, đương nhiên phải thực hiện thì doanh nghiệp mới có thể tồn tại.

Nhưng với một trường học thì không hẳn.

Vì sao? Vì khi bắt đầu quản lý dịch vụ giáo dục theo cách quản lý các dịch vụ thông thường, các nhà giáo và quản lý trong nhà trường sẽ có xu hướng kiểm soát và giám sát tất cả mọi thứ, qua thanh tra kiểm tra, quy chế quy trình, hệ thống thông tin, hệ thống báo cáo, hệ thống các camera ở khắp mọi nơi (kể cả trong lớp học).

Mục đích ban đầu của việc kiểm soát này là mang đến một dịch vụ có chất lượng tốt nhất, an toàn nhất, có thể là một mục đích tốt ở ý định ban đầu. Nhưng khi triển khai thực tế, việc kiểm soát toàn diện này đã làm cho sự tự do trong nhà trường suy giảm và biến mất, khiến nhà trường trở thành một đế chế quan liêu và độc đoán, thậm chí độc tài với chính giáo viên và nhân viên của mình.

Dưới bàn tay kiểm soát của sự độc đoán này, không gian hoạt động của các bên liên quan, như học sinh, phụ huynh, thậm chí cả giáo viên, bị thu hẹp hết mức có thể. Nhà trường độc chiếm không gian hoạt động giáo dục này, nhân danh kiểm soát chất lượng dịch vụ, đẩy các bên liên quan vào thế bị động và phải tuân thủ.

Nhà trường khi đó trở thành một cỗ máy hoạt động theo quy chế quy trình, với sự hỗ trợ của công nghệ, trở thành chuyên nghiệp trong quản lý vận hành. Nói một cách hình ảnh, nhà trường tự suy thoái để trở thành một “lò đóng gạch” - có thể chuyên nghiệp, hiện đại nhưng không phải là một trường học đúng nghĩa. Chất lượng giáo dục khi đó bắt đầu đi xuống. Và giáo dục bắt đầu suy đồi. Những bi kịch mới của giáo dục bắt đầu xuất hiện.

Giáo dục cần tự do, cần không gian cho tất cả các bên liên quan tham gia và thể hiện mình. Khi một bên độc chiếm không gian hoạt động của các bên còn lại thì tự do biến mất, giáo dục không còn là giáo dục nữa dù nhân danh bất cứ mục đích tốt đẹp nào.

Cái sai này các nhà quản lý giáo dục sẽ không tự nhìn ra được. Chỉ có các nhà giáo dục mới có thể nhìn ra. Nhưng rất tiếc, thường đây là hai người khác nhau. Vì khi có xung đột về quan điểm, nhà giáo dục thường thua nhà quản lý, hoặc thua nhà đầu tư trong các biểu quyết. Đây cũng là một thực tế, một điều đau lòng cho các nhà giáo dục chân chính.

Về phía phụ huynh, do đơn giản coi giáo dục là một dịch vụ mình trả tiền để cho con thụ hưởng, nên một cách hiển nhiên, họ cũng đòi hỏi chất lượng dịch vụ tương xứng đồng tiền đã bỏ ra. Phụ huynh khi đó không còn là một phụ huynh đúng nghĩa, mà là một khách hàng đang trả tiền cho một dịch vụ trên thị trường. Và người hưởng dịch vụ đó là con mình.

Do không trực tiếp thụ hưởng nên phụ huynh sẽ có xu hướng đo chất lượng dịch vụ thông qua các chỉ số định lượng, như số tiết học trên lớp mỗi môn học, số bữa ăn trong ngày, số phiếu bài tập mà con nhận được mỗi tuần, số tin nhắn mà thầy cô gửi cho phụ huynh cập nhật tình hình học tập của con...

Đây không là gì khác, mà chính là một dạng KPI, một hình thức thanh tra kiểm soát chất lượng dịch vụ từ phía phụ huynh đối với nhà trường, thông qua các chỉ số dễ nhìn, dễ thấy, dễ định lượng.

Ngoài các chỉ số định lượng này, một biểu hiện khác về việc coi giáo dục như một dịch vụ là việc phụ huynh quan tâm quá mức, kỳ vọng thái quá vào các loại chứng chỉ và chuẩn đầu ra. Phụ huynh coi đây như một loại đo lường chất lượng dịch vụ giáo dục mà con họ đang thụ hưởng.

Tuy nhiên, xét về bản chất, do mỗi người mỗi khác nên không có một bộ chuẩn đầu ra hay chuẩn chất lượng dịch vụ nào phù hợp tất cả mọi người. Cũng không có một loại dịch vụ nào có thể làm hài lòng tất cả mọi người. Trong trường hợp này, những người trả tiền lại không phải là người thụ hưởng dịch vụ, sự bất đồng quan điểm về chất lượng dịch vụ càng dễ xảy ra, đương nhiên sẽ xảy ra.

Đó là lý do vì sao, dù cả hai bên đều cố gắng và cam kết với nhau nhiều đến bao nhiêu chăng nữa, giấy trắng mực đen rõ ràng đến thế nào chăng nữa, trước sau gì hai bên cũng sẽ thất vọng về nhau.

Vì khi đó, họ đang nói câu chuyện về việc cung cấp và thụ hưởng một loại dịch vụ nào đó, cùng các quy trình đo lường và kiểm tra chất lượng dịch vụ đó, thứ dịch vụ mà họ gọi tên là giáo dục, chứ không phải là giáo dục thực sự.

Như thế, gốc rễ của những bi kịch mới trong giáo dục, như sự đổ vỡ trong mối quan hệ giữa phụ huynh và nhà trường, không xuất phát từ một phía cụ thể nào, mà từ một quan niệm tưởng chừng là tiến bộ, rằng giáo dục là một dịch vụ, mà quên mất một điều, giáo dục là giáo dục, không phải là một dịch vụ thông thường như bao dịch vụ khác trên thị trường.■


"Trẻ con thường nhìn vào cách người lớn hành xử để bắt chước. Cả thầy cô và bố mẹ sẽ rất khó dạy con phải sống hòa hợp, tôn trọng lẫn nhau, hợp tác để giải quyết vấn đề, nếu bản thân họ không làm được như vậy".

TS Giáp Văn Dương
---
Nguồn: Tuổi trẻ cuối tuần