Chủ Nhật, 28 tháng 2, 2021

Dạy học trực tuyến theo phương pháp đồng kiến tạo


Những ngày qua, do dịch Covid-19 bùng phát trở lại, nhiều tỉnh thành đã triển khai việc học trực tuyến cho học sinh các cấp. Tuy không bị động như năm ngoái, nhưng các hạn chế về phương pháp giáo dục vẫn còn nguyên. Điều đó cho thấy, phương pháp dạy học trực tuyến, hay dạy học trực tuyến sao cho hiệu quả, là một vấn đề còn bỏ ngỏ.

Là một phụ huynh, cũng là một người làm giáo dục nên tôi có thể quan sát việc dạy học trực tuyến này từ nhiều góc độ khác nhau. Vì thế, tôi trao đổi tại đây một số ý kiến ngắn gọn liên quan đến việc dạy học trực tuyến. Hy vọng việc này sẽ giúp giáo viên, phụ huynh, học sinh cải thiện phần nào chất lượng dạy và học trực tuyến trong thời gian nghỉ tránh dịch này.

1. Về thiết bị, phần mềm và internet: Đây là phần dễ nhất trong dạy học trực tuyến. Thông thường, chỉ cần một máy tính, laptop hoặc máy tính bảng nối mạng với internet, và sử dụng các phần mềm như Zoom hoặc Google Meet, Microsoft Teams là đã đủ để triển khai dạy học trực tuyến. Lúc đầu giáo viên, học sinh và phụ huynh có thể bỡ ngỡ, nhưng sau khi được hướng dẫn thì thường chỉ sau một buổi là học sinh đã sử dụng thông thạo, tự đăng nhập và tham gia lớp học, kể cả học sinh lớp 1.

2. Về việc hỗ trợ và giám sát học sinh: Hiện chưa có quy định cứng tuổi nào thì được sử dụng internet, nhưng các nhà cung cấp dịch vụ trên mạng thường chọn mức 13 tuổi. Dưới tuổi này, khi sử dụng internet thì trẻ thường được yêu cầu phải có người giám hộ. Ví dụ: Khi đăng ký email hay tài khoản mạng xã hội, nếu dưới 13 tuổi, thì tài khoản của trẻ phải gắn với tài khoản của bố mẹ.

Vì trẻ ở bậc Tiểu học dưới 13 tuổi, nên về nguyên tắc, khi học qua internet, phải có người lớn giám sát trẻ. Điều này không có nghĩa là phải có người lớn ngồi học cùng, mà tài khoản mà trẻ sử dụng phải được giám sát qua tài khoản của phụ huynh, và tốt nhất là trẻ phải ở trong tầm mắt của người lớn khi sử dụng internet. Điều này sẽ đảm bảo phần nào an toàn cho trẻ nhỏ khi lên mạng internet.

3. Về thời lượng học tập trực tuyến: Các nghiên cứu về giáo dục trực tuyến cho thấy, khi tự học qua các video clip thì thời gian tập trung để xem video clip của người học nằm trong khoảng 5-7 phút. Sau đó người học sẽ mất tập trung và bỏ dở clip về bài học đang xem. Đây chính là rào cản lớn nhất làm cho giáo dục trực tuyến không được hiệu quả như mong đơi, dù rất tiện lợi cho cả người dạy và người học.

Khi dạy trực tuyến qua Zoom, Meet, Teams thì do có sự tương tác trực tuyến, thời gian tập trung của trẻ có thể kéo dài gấp đôi, tức khoảng 10-15 phút tùy lứa tuổi. Sau thời gian này, trẻ cần được nghỉ giữa giờ, hoặc chuyển hoạt động, trước khi tập trung học tập trở lại.

Các nghiên cứu về khả năng tập trung của con người cũng cho thấy, khoảng thời gian để một người trưởng thành tập trung là từ 25-30 phút. Chính vì thế, kỹ thuật Pomodoro, một kỹ thuật nâng cao năng suất làm việc phổ biến, đã yêu cầu chia nhỏ thời gian làm việc thành từng phiên, mỗi phiên kéo dài 25 phút. Sau mỗi phiên thì người làm sẽ nghỉ 5 phút, và sau 4 phiên thì nghỉ 15-20 phút.

Như vậy, khi dạy trực tuyến thì giáo viên phải bố trí nghỉ giữa giờ ngay trong một tiết học, để trẻ không phải học liên tục quá 15-17 phút với bậc Tiểu học và 20-25 phút với bậc trung học. Trong mỗi khoảng nửa tiết đó, giáo viên lại phải chia thành các khoảng thời gian nhỏ hơn nữa, sao cho trẻ chỉ phải tập trung học trong khoảng 7-10 phút, rồi chuyển sang hoạt động khác trong 7-10 phút tiếp theo. Đó có thể là thực hành, làm bài tập hoặc trò chơi liên quan đến nội dung môn học. Trong đó, phần trò chơi môn học nên được sử dụng thường xuyên để giữ kết nối với trẻ.

Nếu không làm được như vậy, chỉ sau khi học 10-15 phút là trẻ sẽ mất tập trung và ngáp liên tục, thậm chí mắt chảy nước, mặt mũi bơ phờ. Nếu giáo viên thấy học sinh ngáp thì đó là chỉ dấu cho thấy bài học nhàm chán, hoặc thời lượng đã quá dài nên trẻ mất tập trung.

Trong trường hợp giáo viên không nhận ra, hoặc không quan tâm nên cứ tiếp tục dạy, thì trẻ được quyền xin phép đứng dạy để vận động trong khoảng 2-3 phút. Phụ huynh cũng nên nhắc con mình làm như vậy. Vì suy cho cùng, sức khỏe thể chất và sức khỏe tâm thần là quan trọng nhất.

Đó là về thời lượng của một tiết học. Còn về thời lượng của buổi học thì theo tôi, mỗi buổi không nên học quá 2 tiết, tức mỗi ngày không nên quá 4 tiết. Cho trẻ học trực tuyến quá nhiều sẽ gây ra mệt mỏi và phản tác dụng.

4. Về nội dung và mục tiêu bài học: Khi triển khai dạy trực tuyến thì chương trình sẽ được rút gọn và điều chỉnh lại. Vì thế, nội dung và mục tiêu bài học cũng cần được thiết kế lại cho tinh và gọn. Khi đó, ưu tiên quan trọng nhất là giúp cho học sinh nắm được tinh thần chủ đạo của môn học, kiến thức lõi của từng chương/bài chứ không nên ôm đồm và sa quá nhiều vào chi tiết, gây rối và tốn thời gian không cần thiết.

Thường thì giáo viên sẽ bỏ qua phần hiểu và cảm được tinh thần chủ đạo của môn học, để đi vào các nội dung chi tiết theo phân phối chương trình cứng nhắc và định sẵn. Nhưng phần hiểu và cảm nhận tinh thần chung của môn học, của mỗi chương/bài rất quan trọng. Dạy học hay dở ra sao, thành bại thế nào, chính là ở chỗ người thầy có giúp học trò hiểu và cảm được cái ‘thần’ của môn học, của chương/bài hay không, chứ không phải ở việc hoàn thành hết các bài tập, hoặc học thuộc lòng nội dung của bài.

5. Về phương pháp giảng dạy: Cho đến nay chưa có phương pháp giảng dạy trực tuyến chính thức nào được nghiên cứu, kiểm chứng và đưa vào giảng dạy phổ biến. Nhưng theo kinh nghiệm của tôi, phương pháp dạy trực tuyến hiệu quả phải là phương pháp mang lại niềm vui khi dạy-học và giúp khắc phục được điểm yếu nhất của dạy học trực tuyến: Đó là sự suy giảm, hoặc đánh mất kết nối, giữa người dạy và người học.

Vì thế, tôi cho rằng, khi dạy học trực tuyến, thay vì áp đặt kiến thức và nội dung bài học, thì giáo viên cần sử dụng tiếp cận ĐỒNG KIẾN TẠO để giảng dạy. Đây là một cách tiếp cận, một con đường triển khai giáo dục, nhưng để đơn giản thì tôi thường gọi tắt là phương pháp đồng kiến tạo.

Theo đó, học sinh được trao quyền, trao cơ hội và tạo điều kiện để khám phá và hình thành nhận thức cho chính mình, bao gồm: các tri thức cụ thể, kỹ năng tư duy, nhân sinh quan, thế giới quan, thái độ sống….

Nói cách khác, học sinh phải được quyền tham gia quá trình hình thành, thảo luận, kiểm chứng, lựa chọn, xác lập… những gì tồn tại trong đầu óc của chính mình và làm chủ nó.

Thông qua đó, học sinh từng bước tạo ra chính mình. Vì tạo ra chính mình nên luôn được sống thật với chính mình. Vì luôn được sống thật với chính mình nên luôn vui vẻ và hạnh phúc, từ đó có được niềm vui và sự háo hức trong học tập.

Như thế, tiếp cận đồng kiến tạo, hay phương pháp đồng kiến tạo, giúp tạo ra một môi trường giáo dục đích thực mà ở đó cả thầy và trò được dạy thật, học thật, thi thật và sống thật, trong sự tương thông, chia sẻ và tôn trọng. Điều này tạo ra sự vui vẻ, hạnh phúc và sự háo hức trong hành trình trình khám phá tri thức và hình thành nhận thức, tức từng bước tạo ra chính mình.

Những kinh nghiệm của tôi cho thấy, tiếp cận đồng kiến tạo không chỉ hiệu quả khi giảng dạy trực tiếp, mà khi áp dụng và dạy học trực tuyến, cách tiếp cận này cũng phát huy tác dụng rất tốt.

Vì lẽ đó, sử dụng tiếp cận đồng kiến tạo là một trong những giải pháp giúp nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt khi phải dạy học trực tuyến khi nghỉ tránh dịch này.

Giáp Văn Dương
---
Ghi chú: Bài đã đăng trên Zing.vn, ngày 25/2/2021.