Thứ Ba, 22 tháng 12, 2020

Vì sao giảng dạy môn Tiếng Anh thất bại?


Mới đây, Tổ chức Education First chuyên xếp hạng mức độ thành thạo tiếng Anh của các quốc gia đã xếp hạng Việt Nam ở mức 65/100 quốc gia, tức tụt 13 bậc so với năm 2019.

Qua đó chúng ta thấy: Chất lượng dạy và học Tiếng Anh đang là một trong những điểm đáng lo ngại nhất của giáo dục Việt Nam.

Quan sát phổ điểm thi tốt nghiệp môn Tiếng Anh trong khoảng 20 năm qua, tôi thấy năm nào điểm trung vị cũng dao động quanh mức 4 – 5 điểm.

Tiếp xúc và tuyển sinh các sinh viên mới tốt nghiệp đại học, tôi thấy trình độ Tiếng Anh của phần lớn các em cũng không cải thiện nhiều so với mười năm về trước.

Chuyện gì đã xảy ra vậy, khi biết bao nguồn lực của gia đình và xã hội được đổ vào môn Tiếng Anh? Chưa kể Bộ GD & ĐT còn có cả một đề án rất lớn về dạy và học ngoại ngữ triển khai trong suốt 12 năm qua mà kết quả cũng không cải thiện được bao nhiêu.

Vậy đâu là nguyên nhân, và liệu có cách nào để khắc phục tình trạng này?

Để trả lời câu hỏi này, có lẽ phải viện dẫn đến “Nguyên lý Anna Karenina” (theo cách nói của J. Diamond), lấy cảm hứng từ câu đầu tiên trong tiểu thuyết cùng tên của Tolstoy, để đưa ra một nhận định khái quát: Các quốc gia thành công trong việc dạy Tiếng Anh đều giống nhau, còn các quốc gia thất bại trong việc dạy Tiếng Anh thì thất bại theo cách của riêng mình.

Thật vậy, để thành công trong việc dạy Tiếng Anh trong hệ thống giáo dục, một quốc gia phải đảm bảo thành công đồng thời các yếu tố sau:
  1. Có tinh thần cởi mở và đón nhận Tiếng Anh. Không kỳ thị Tiếng Anh và những giá trị và đặc trưng văn hóa mà Tiếng Anh mang trong mình.
  2. Có chính sách giáo dục và thi cử cần hiệu quả và có tác dụng thúc đẩy đối với việc học môn Tiếng Anh trong nhà trường và ngoài xã hội;
  3. Có các bộ sách giáo khoa, giáo trình đủ tốt để giảng dạy trong nhà trường và ngoài xã hội;
  4. Có đội ngũ giáo viên đủ giỏi và đủ hiểu về dạy và học môn Tiếng Anh để triển khai việc giảng dạy;
  5. Các đặc trưng ngôn ngữ môn Tiếng Anh như phát âm, cấu trúc ngữ pháp không được xung đột quá mức với các đặc trưng của tiếng mẹ đẻ;
  6. Có đủ nguồn lực để đầu tư cho việc dạy và học Tiếng Anh đủ đạt ngưỡng nhất định để có thể sử dụng;
  7. Có môi trường khuyến khích việc sử dụng Tiếng Anh trong học tập và làm việc, cả trong gia đình, nhà trường và xã hội;
  8. Có cơ chế tưởng thưởng và thăng tiến cho những người giỏi Tiếng Anh và có thể sử dụng Tiếng Anh trong công việc, trong cả khu vực tư và khu vực công;
Để thành công trong việc dạy môn Tiếng Anh thì phải thành công đồng thời cả 8 yếu tố này. Còn để thất bại, thì chỉ cần thất bại một vài trong số 8 yếu tố trên là sẽ thất bại. 

Qua góc nhìn đó, ta thấy: Chúng ta chưa thành công nhiều trong số các yếu tố nêu trên. Có thể điểm qua như sau:
  • Chất lượng nhân sự liên quan đến các chương trình Tiếng Anh còn yếu. Những người làm chính sách dạy và học Tiếng Anh, chỉ đạo biên soạn SGK môn Tiếng Anh cũng chưa thực sự giỏi và hiểu cách dạy và học Tiếng Anh.
  • Cách triển khai các chương trình dạy và học môn Tiếng Anh vẫn tiến hành như các đề án giải ngân, nặng tính hình thức và phong trào mà ít xét đến các hiệu quả thực tế.
  • Sách giáo khoa dạy môn Tiếng Anh trong hệ thống giáo dục phổ thông còn chịu quá nhiều ràng buộc trong quá trình biên soạn nên chất lượng rất kém.
  • Cách thức thi cử ở phổ thông, đặc biệt là thi tốt nghiệp THPT và thi vào Đại học, tạo điều kiện cho các học sinh không cần khá ngoại ngữ vẫn có thể thi đỗ nên không cần học.
  • Đội ngũ giáo viên dạy môn Tiếng Anh còn thiếu và yếu. Nhiều thầy cô chỉ có thể dạy từ vựng và ngữ pháp chứ không thực sự sử dụng được Tiếng Anh trong giao tiếp và trong công việc.
  • Thời lượng của môn học Tiếng Anh trong nhà trường còn quá ít để có thể đạt ngưỡng có thể sử dụng được Tiếng Anh trong đời sống thực.
  • Môi trường xã hội chưa thực sự khuyến khích việc sử dụng Tiếng Anh trong học tập và làm việc hàng ngày.
  • Cơ chế tưởng thưởng và thăng tiến cho nhân sự thành thạo Tiếng Anh còn nặng tính hình thức và chưa rõ ràng, nên thay vì giỏi Tiếng Anh, nhân sự chỉ cần trình chứng chỉ môn học là có thể được.
Vậy làm cách nào để có thể cải thiện tình trạng này? Nói hết lẽ thì sẽ rất dài, nhưng ngắn gọn thì có thể tóm lược trong một câu: Cần có chiến lược và chính sách đưa Tiếng Anh vào sử dụng trong học tập và làm việc hàng ngày. 

Điều này có nghĩa: Với nhà trường, cần cho phép sử dụng các bộ sách giáo khoa Tiếng Anh để học tập hàng ngày. Với báo chí cần sử dụng Tiếng Anh để truyền thông. Với công sở, cần sử dụng Tiếng Anh để làm việc và có cơ chế tưởng thưởng xứng đáng.

Nếu không, việc dạy và học Tiếng Anh sẽ chỉ như dạy và học một môn học thông thường, tập trung vào việc nhớ và hiểu từ vựng và ngữ pháp, chứ không phải là một thực hành ngôn ngữ hàng ngày, trong học tập và làm việc, để đạt được sự thành thạo như mong đợi.

Giáp Văn Dương
---

Một phiên bản rút gọn của bài này đã đăng trên báo Thanh Niên, ngày 8/12/2020.