Thứ Sáu, 5 tháng 6, 2009

Tướng Giáp và xã hội dân sự

Giáp Văn

Những ngày qua, cả xã hội nóng lên vì vấn đề khai thác bauxite ở Tây Nguyên. Trong đó, tướng Giáp - vị tướng già đã 98 tuổi bao phen xông pha trận mạc – lại một lần nữa đóng vai trò lãnh tụ tinh thần. Nhiều người cho rằng, đây là trận chiến cuối cùng của tướng Giáp. Nhưng tôi thì nghĩ khác: đây không phải là một cuộc chiến của tướng Giáp, vì ông không coi những người đứng bên kia quan điểm là kẻ thù. Nhưng rất có thể đây sẽ là một cái gì đó hơn-cả-một-cuộc-chiến. Đó là một cuộc vận động lớn: cuộc vận động hình thành xã hội dân sự mà tướng Giáp ở một chừng mực nào đó chính là người khởi xướng.

Bằng ba lá thư phản đối dự án khai thác bauxite Tây Nguyên, ban đầu là đề nghị "xem xét các dự án này một cách khách quan - cần đánh giá lại quy hoạch khai thác bô-xít trên Tây Nguyên đến 2025", sau đó là "mong các nhà khoa học, các nhà quản lý, các nhà hoạt động xã hội hãy nêu cao trách nhiệm trước dân tộc thảo luận một cách khoa học, nghiêm túc, thẳng thắn" và cuối cùng là "đề nghị dừng các dự án khai thác bô xít ở Tây Nguyên, kể cả khai thác thí điểm", tướng Giáp đã gây sức ép ngày càng mạnh lên nhà cầm quyền. Cho đến giờ, yêu cầu của tướng Giáp trong lá thư thứ ba dường như rất ít cơ hội trở thành hiện thực, nhưng tác động của ba lá thư này đã thể hiện rất rõ.

Những lá thư của tướng Giáp đã tạo đà cho xã hội lên tiếng, mà điển hình là việc 135 trí thức và nhà khoa học gửi bản kiến nghị dừng dự án khai thác bô xít Tây Nguyên lên Chính phủ, Quốc hội và Chủ tịch nước, kéo theo sự ủng hộ của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Những manh nha đầu tiên của xã hội dân sự, phôi thai qua hình thức giản đơn nhất là thông tin dân sự, đã bắt đầu hình thành, và quan trọng hơn, được xã hội ủng hộ mạnh mẽ.

Cả xã hội, dù còn ngái ngủ, đã ngọ nguậy trở mình. Các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là giới trí thức, đã ý thức rõ hơn trách nhiệm của mình và bước đầu làm quen với phản biện xã hội có hệ thống, yếu tố cần thiết đầu tiên để hình thành xã hội dân sự. Cơn gió trách nhiệm công dân trước vận mệnh đất nước đã thổi đến cơ quan quyền lực cao nhất là Quốc hội. Theo thời gian, ai biết được, cơn gió này có trở thành bão, thổi bay những gì đi ngược lại lợi ích đất nước và vận mệnh dân tộc, hay không?

Nếu phong trào phản đối dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên và các phong trào khác sau này thúc đẩy tạo dựng xã hội dân sự Việt Nam, thì quả thực, đó sẽ là một cuộc cách mạng. Và trong cuộc cách mạng này, vị tướng già 98 tuổi –với cương vị là người khỏi xướng, tạo niềm tin và giữ lửa tinh thần – có đóng góp vô cùng quan trọng.

Nếu không muốn vĩnh viễn nghèo nàn và tụt hậu thì vận động hình thành xã hội dân sự là lựa chọn duy nhất và tất yếu.

Đường nay đã mở, chỉ chờ người tiến lên.