Thứ Ba, 15 tháng 12, 2020

Nỗi niềm sách giáo khoa

 Thứ tư, 26/9/2018, 01:34 (GMT+125

Cách đây hơn mười năm, khi học ở Anh, con gái tôi không bao giờ mang sách vở khi đến trường và về nhà. Thay vào đó, chỉ là vài phiếu học tập để làm thêm cho vui. Cặp sách cũng rất nhẹ, chỉ giống một cái ví lớn, chứ không phải là cặp da hay ba lô nặng trịch.

Trong suốt mấy năm con học tiểu học, tôi không nhìn thấy sách giáo khoa của con bao giờ. Hỏi ra, sách giáo khoa thì vẫn có, nhưng hầu như các thầy cô đều không dùng toàn bộ và trực tiếp sách giáo khoa để dạy như ở Việt Nam. Sách giáo khoa sẽ giống sách tham khảo hơn. Giáo viên tự xây dựng nội dung môn học, và nội dung từng bài học, căn cứ trên khung chương trình quốc gia, sử dụng tư liệu tham khảo từ nhiều nguồn.

Khi chúng tôi chuyển về Singapore, môi trường học tập giống Việt Nam hơn, trong đó có sự xuất hiện của sách giáo khoa trong cặp của con. Nhưng Singapore không chỉ có một bộ sách giáo khoa, mà có nhiều bộ sách khác nhau, hàng năm được Bộ giáo dục phê duyệt và công bố. Các trường tự lựa chọn bộ sách phù hợp với mình tùy theo mục tiêu và quan điểm giáo dục.

Chuyện cứ thế êm ả trôi đi nếu chúng tôi không trở về. Con tôi phải làm quen với cách học mới, và đánh vật với sách giáo khoa mới, ở mấy điểm mà tôi có giải thích thế nào con cũng không thể chấp nhận được.

Đâu tiên, không hiểu vì sao sách giáo khoa của Việt Nam mình lại xấu và trình bày ẩu cả nội dung lẫn minh họa như vậy. Chỉ nhìn sách đã không muốn học. Cô con gái nhỏ nhiều lần bức bối đến mức bật khóc. Tôi cố gắng giải thích nhưng vô nghĩa. Sách xấu là xấu. Không muốn học là không muốn học. Giải thích vòng vo kiểu gì trẻ con cũng không tin. Mà trẻ con thì rất tinh. Không thể đánh lừa bằng những mỹ từ cao siêu được.

Điều thứ hai, là dù rất cố gắng, con tôi cũng không thể tự học như trước khi dùng sách giáo khoa. Đây là điều nhức nhối không phải với con, mà còn với chính tôi. Để làm quen với môi trường mới, chúng tôi chủ trương cho con học tại gia một thời gian. Mà khi học tại gia thì cháu phải tự học rất nhiều, vì bố mẹ còn vướng bận bao nhiêu việc. Nếu là sách của nước ngoài, thì khi mở sách ra, con có thể tự học. Việc học tại gia ở nước ngoài vì thế có thể tiến hành dễ dàng, nhưng ở Việt Nam thì không thể.

Khi xem xét thật kỹ sách giáo khoa hiện hành, tôi phải thừa nhận con nói đúng. So với thế hệ chúng tôi, bộ sách giáo khoa hiện hành là một bước lùi lớn trong việc khuyến khích tinh thần tự học.

Trước đây, khi vừa kết thúc năm học, chúng tôi thường đi mượn hoặc mua lại sách giáo khoa của các anh chị khóa trước. Và sau khi đã có bộ sách, có thể bìa đã rách và rất lem nhem, việc đầu tiên chúng tôi thường làm là mở ra để xem sách của năm sau viết gì. Rất thường xuyên, tôi sẽ tự học luôn một số phần hấp dẫn. Mà không chỉ tôi, sau này gặp gỡ nhiều, tôi biết rất nhiều người cùng thế hệ cũng đã tự học trước như thế. Cá biệt, có người tự học môn mình yêu thích trước hai, ba năm.

Nhưng đó là sách giáo khoa của ngày xưa. Tôi cố suy nghĩ vì sao lại có một bước lùi lớn như vậy trong việc tự học thì không tìm ra lý do sư phạm nào thuyết phục. Cuối cùng, tôi đành kết luận rằng, sách giáo khoa của chúng ta đã thoái hóa nghiêm trọng, đến mức làm cho học sinh không thể tự học.

Những ai cảm thấy không tin, hãy mở sách giáo khoa của con mình ra và thử tự học, họ sẽ lúng túng vô cùng. Nhiều khi không biết bắt đầu từ đâu. Nhìn thấy cửa, mà không thấy chìa khóa ở chỗ nào, chưa kể không có hướng dẫn gì cụ thể cho việc khám phá. Chiếc chìa khóa đã được để ở một nơi khác, trong giáo án hoặc sách giáo viên, chứ không phải ở ngay trong sách giáo khoa.

Nói cách khác, những tri thức cần chiếm lĩnh đã được phân chia thành những phần khác nhau, nằm rải rác ở nhiều chỗ khác nhau, chứ không phải chỉ ở trong sách giáo khoa để học sinh có thể tự học. Nghe như trò đánh đố, nhưng sự thật là như thế.

Một sản phẩm làm ra là để người mua sử dụng được. Nhưng với sách giáo khoa thì không. Hãy tưởng tượng, nếu bạn mua một món đồ mà sau đó bạn không thể sử dụng được thì bạn phát rồ đến mức nào. Bạn sẽ trả lại và không bao giờ mua lại món đồ đó. Bạn cũng có thể gặp hiệp hội người tiêu dùng để phản ánh, hoặc lên mạng để than thở, tẩy chay. Nhưng với sách giáo khoa thì không thể. Bạn không có lựa chọn nào khác. Mua về không tự sử dụng được cũng phải cam chịu. Sách giáo khoa đã bị làm cho thần bí và trở thành khác biệt so với các cuốn sách thông thường.

Khi đó, bạn chỉ có thể kiên nhẫn chờ người khác hướng dẫn và ngoan ngoãn làm theo từng bước một. Cánh cửa tự học đã bị khóa chặt. Chìa khóa tự học của học trò thì nằm trong tay thầy cô. Còn chìa khóa tự dạy của thầy cô nằm trong tay cơ quan quản lý. Còn chìa khóa của cơ quan quản lý thì nằm ở cơ quan quản lý cao hơn. Chiếc chìa khóa cuối cùng nằm ở đâu không ai biết, không ai dám hỏi. Hoặc không hề có chìa khóa được thiết kế ra. Người ta chỉ thấy lớp lớp học sinh đi học thêm buổi tối và cuối tuần, mà không mấy khi thấy chúng tự học.

Dù ta đã khản cổ kêu gọi thầy cô yêu nghề, học sinh cần tự học, nhưng kết quả chỉ là sự đối phó. Văn hóa đọc, văn hóa học có kêu gọi mấy cũng không phát triển. Học sinh không còn thời gian để đọc và cũng không có cơ hội sử dụng những điều đã đọc được vào học tập và thi cử chính khóa.

Một số người cố sức để mở cánh cửa tự học đó ra thì thấy những nội dung ở bên trong cũ kỹ và chán không thể tả. Chán đến mức chỉ muốn đóng lại ngay tức khắc. Học sinh giờ đây phải học chỉ vì phải thi. Thi xong là quên hết, quên thật nhanh để học một thứ khác, cũng nhàm chán và mệt mỏi y như thế, để rồi lại thi và tiếp tục quên đi. Đến khi hết đại học, họ mới bàng hoàng nhìn ra mình chẳng học được gì đáng kể. Khủng hoảng, hoang mang, chạy chọt bước vào đời.

Hẳn những ai đã làm công việc tuyển dụng nhân sự rồi mới thấy, để tuyển được một người trung thực và biết việc bây giờ là sự nỗ lực không nhỏ của phòng nhân sự. Tuyển được người biết việc, lại có khả năng viết được một trang văn bản dài mạch lạc rõ ràng, không sai chính tả thì đúng là cần phải ăn mừng. Cho dù, tất cả các ứng viên đều có bằng đại học.

Trở lại câu chuyện của con tôi, đó là một mong ước vô cùng giản dị: Làm sao để có được một bộ sách giáo khoa không chỉ đúng và đẹp, mà quan trọng hơn là còn có thể dùng để tự học. Chỉ khi tự học thì người ta mới thực học. Còn không, đó chỉ là một sự đối phó. Tạo ra những lớp người chỉ biết đối phó cho xong ngay từ nhỏ là lỗi của ngành giáo dục, trong đó có lỗi của bộ sách giáo khoa hiện hành.

Nhưng làm sao có được những bộ sách giáo khoa như thế, làm sao để một chuyện đương nhiên trở thành sự thật? Câu trả lời, về nguyên tắc, không đến từ một sự hô hào, mà từ quyền được lựa chọn của người dùng. Chỉ khi nào có nhiều bộ sách giáo khoa cùng lưu hành để người dùng lựa chọn, thì tình trạng sách vừa xấu, vừa ẩu, vừa không thể dùng để tự học mới có thể chấm dứt.

Giáp Văn Dương

---

Nguồn: Vnexpress ngày Thứ tư, 26/9/2018, 01:34 (GMT+7) 125