Thứ Ba, 15 tháng 12, 2020

Chữ Hòa trong giáo dục

 Thứ tư, 20/11/2019, 08:09 (GMT+7) 45

Đâu rồi niềm vui trẻ thơ khi đến trường? Đâu rồi niềm vui dạy học khi đứng lớp? Vì đâu mà tất cả đều trở thành đối phó, dạy cho xong cho hết trách nhiệm và học cũng cho xong theo đúng yêu cầu?

Cũng ngày này của hai năm về trước, cũng trên trang báo này, tôi viết bài Chân - Thiện - Mỹ - Hòa, xuất những điều mà tôi đã trải nghiệm, chiêm nghiệm và đã sống theo, như một sự chia sẻ với những nhà giáo nhân ngày 20/11.

Năm nay, tôi muốn dành thời gian để viết thêm về một chữ trong bộ giá trị đó - chữ Hòa - vì theo tôi, đó là chữ khó đạt được nhất ở trong giáo dục, nhưng lại cũng là chữ truyền tải được những ý nghĩa sâu xa nhất của giáo dục.

Con người ta sinh ra vốn dĩ có bản năng sống, và theo bản năng sống có tính cách sinh học đó, con đường để đạt mục tiêu sẽ đến một cách tự nhiên thông qua tranh đoạt và giẫm đạp lên nhau. Đó là bản năng tự nhiên, là điều hiển nhiên sẽ có. Thế giới động vật đã tồn tại và phát triển qua cách đó.

Nhưng con người cần nhiều hơn thế. Con người có thể tìm ra một cách khác để đạt được mục tiêu mà không cần phải giẫm đạp lên nhau. Và cách khác đó chỉ có thể đạt được thông qua giáo dục. Như thế, giáo dục sẽ là đôi cánh để nâng bước con người, giúp con người bay cao và bay xa hơn, thăng hoa và hạnh phúc hơn, thành công và tạo ra nhiều giá trị hơn mà không cần phải giẫm đạp lên kẻ khác, lại càng không cần phải hủy hoại thiên nhiên.

Mà để được như vậy, thì chữ Hòa trong giáo dục phải trở thành kim chỉ nam trong giáo dục kỹ năng sống và văn hóa sống của con người. Nhưng giáo dục đang không làm được như thế. 

Hệ thống hành chính giáo dục nặng tính kiểm soát và các lý thuyết bàn giấy, các áp đặt kiểu đúc khuôn đóng gạch theo các tiêu chuẩn đồng nhất đã tạo ra một hố sâu ngăn cách ngày càng sâu giữa giáo dục và trẻ nhỏ. Hệ quả là giáo dục bị lạc đường và phản lại chính mình, còn trẻ em thì trở thành những kẻ lang thang phờ phạc trong bể học, mệt nhoài trong rừng khó khăn nhân tạo, ngày càng nhiều và ngày càng khủng khiếp, mà không biết để làm gì.

Những nhà giáo không còn sức sống, những chuyên gia tầm chương trích cú, nhặt nhạnh sách vở, những trí thức hương nguyện, những nhà quản lý chỉ biết kiểm soát đã làm cho giáo dục không còn là giáo dục, mà trở thành một sa mạc khô cằn, một hố sâu ngăn cách giữa trẻ nhỏ và bản thân giáo dục.

Thầy trò đối phó lẫn nhau. Gia đình và nhà trường cũng đối phó lẫn nhau. Các chuyên gia cũng đối phó lẫn nhau. Và giáo dục cũng tự đối phó với giáo dục, và tự lừa dối chính mình.

Sau một ngày ở trường, không thấy nhiều niềm vui trên khuôn mặt của cả thầy và trò. Về nhà cũng không thấy niềm vui của con cái và cha mẹ. Tất cả đều nháo nhào làm cho xong việc để đối phó lẫn nhau và tránh tối đa trách nhiệm. Trực tiếp hoặc gián tiếp, những người tham gia giáo dục từ các phía khác nhau đang đẩy trách nhiệm cho nhau và trẻ nhỏ là người lãnh hậu quả.

Thời đại thông tin và sự phát triển của công nghệ tiếc thay lại không làm cho giáo dục tốt hơn lên từ bên trong, mà ngày càng khoét sâu thêm hố thẳm giữa giáo dục và trẻ nhỏ. Công nghệ vốn dĩ chỉ là một phương tiện. Khi phương tiện bị sử dụng sai cách, bởi sai người, hướng đến sai mục đích, thì phương tiện trở thành công cụ của sự phá hoại.

Để rồi, chữ tình mỗi ngày mỗi nhẹ đi còn chữ kiểm thì ngày càng thêm nặng. Tình người - tình cảm - tình thương - tình yêu được thay thế bởi kiểm tra - kiểm soát - kiểm định - kiểm đếm đầy lo lắng và sợ hãi.

Giáo dục thay vì nâng đỡ và phát triển con người, bỗng nhiên cũng trở thành một hố sâu ngăn cách, giữa con người và những điều mà con người có giáo dục hướng đến.

Giáo dục đã từng bước đánh mất mình để trở thành sa mạc. Sa mạc lớn dần trong lòng con trẻ và lan ra ngoài xã hội, theo đúng quy trình và theo đúng chương trình.

Kết quả là gì? Là trò bơ phờ mệt mỏi và thầy cũng mệt mỏi bơ phờ. Xã hội thì nháo nhào như có loạn. Cha mẹ nhìn quanh trẻ con ngơ ngác, chơ vơ như thuyền nan giữa biển khơi mà không biết bám víu vào đâu.

Những lời nói dối trong giáo dục, những mập mờ đánh lừa trẻ nhỏ, đã không còn làm cho người ta thấy ngượng. Ước mơ về một kỳ thi trung thực, lẽ ra phải là thứ hiển nhiên, thì bỗng chốc lại trở thành cao vọng.

Trong tình cảnh đó, việc đầu tiên giáo dục cần làm là làm hòa với con trẻ, để không còn hố sâu ngăn cách giữa con trẻ và giáo dục. Bên cạnh chữ Chân, chữ Thiện, chữ Mỹ, chữ Hòa trong giáo dục bỗng trở nên cấp thiết.

Sau khi đã làm hòa được với trẻ nhỏ như thế, hố sâu ngăn cách giáo dục với trẻ nhỏ sẽ được thu hẹp dần. Niềm vui sẽ đến, nụ cười sẽ xuất hiện nhiều hơn trên khuôn mặt cả thầy và trò. Cuộc sống học đường sẽ chan chứa yêu thương và tràn đầy sức sống. Niềm vui đi học và hạnh phúc đến trường là có thật.

Khi đó, giáo dục sẽ dạy trẻ nhỏ làm hòa được với chính mình. Trẻ con sẽ không còn mệt mỏi, bế tắc và chán đời. Sẽ không còn vô cảm, chỉ biết tuân thủ như một cỗ máy. Sẽ không còn ai muốn chết vì áp lực thi cử, học hành. Những mầm cây sẽ mọc lên trong sa mạc. Niềm vui sẽ trỗi dậy, và một ngày cây sẽ nở hoa.

Rồi sau khi làm hòa với chính mình, giáo dục sẽ giúp trẻ làm hòa được với thầy cô bè bạn. Trò sẽ hòa cùng bài học. Thầy sẽ hòa cùng bài giảng. Gia đình sẽ hòa cùng nhà trường. Nhà trường sẽ hòa cùng xã hội. Xã hội sẽ hòa cùng quốc gia. Quốc gia sẽ hòa cùng quốc tế. Quốc tế sẽ hòa cùng nhân loại. Để rồi, thì không còn giẫm đạp lên nhau, mà sẽ hỗ trợ nhau, đồng hành và đồng kiến tạo, trong sự tương kính, tương thân và tương ái.

Rồi sau đó nữa, khi đã giúp ta làm hòa được với mình và với người, giáo dục sẽ giúp ta làm hòa được với thiên nhiên. Không còn hủy hoại và khai thác quá lố, ta và thiên nhiên cùng nhìn nhau trong mắt xanh thương mến, và mỉm cười như hai kẻ tri âm. Ta sẽ là một phần của thiên nhiên, còn thiên nhiên vì ta mà trở nên ý nghĩa.

Để từ đó, ta thấy mình là một phần của cuộc sống, chứ không phải là nạn nhân của cuộc sống. Và từ đó, các chiều kích khác nhau của cuộc sống sẽ được mở ra, và các ý nghĩa của cuộc sống sẽ dần dần hé lộ.

Ta bỗng thấy biết ơn cuộc sống và trân trọng chính mình. Ta trở thành một con người có giáo dục, có thể sống một cuộc đời ý nghĩa.

Để rồi, ta thấy mình như những cánh chim tự do, bay cao bay xa, trong sự hài hòa và kết nối. Không còn bơ vơ lạc lối. Không còn mệt mỏi bơ phờ. Không còn lo lắng và bất định. Con người trở thành con người có văn hóa trong ứng xử, với chính mình, người khác và thế giới xung quanh.

Chữ hòa như thế, không còn là chữ Hòa dân gian trong "dĩ hòa vi quý" mà người đời đã gán cho, mà trở thành kim chỉ nam trong ứng xử của giáo dục, với trẻ nhỏ và với chính giáo dục.

Nhờ chữ Hòa đó, giáo dục sẽ gượng dậy và làm sạch chính mình. Giáo dục sẽ ngẩng cao đầu cất bước. Đường tương lai sẽ lại rộng thênh thang. Tiêu chuẩn đầu ra, quy trình, thanh tra, kiểm soát khi đó sẽ chỉ là bệ đỡ, chứ không phải là kẻ đè đầu cưỡi cổ giáo dục.

Sẽ không ai còn ngộp thở. Sẽ có thêm khe khẽ tiếng cười. Sẽ có niềm vui phơi phới mà trẻ nhỏ, thầy trò và cha mẹ xứng đáng được hưởng. Vì họ đã tin, đã yêu, đã bỏ ra thời gian, công sức và chi phí nhiều đến thế.

Không có chữ Hòa, giáo dục chỉ còn là những chiến tuyến. Người làm giáo dục không còn khả năng hiểu về giáo dục. Còn trẻ nhỏ không còn khả năng hiểu về việc học. Và giáo dục đánh mất chính mình.

Khi đó, sa mạc sẽ lớn dần và hố thẳm sẽ sâu thêm. Lớn đến mức không có cách nào vượt qua và sâu đến mức không có cách nào thoát ra được.

Vì thế, trong ngày 20/11 này, nếu có mong ước gì, thì mong ước của tôi là giáo dục sẽ làm hòa với trẻ nhỏ, và giáo dục làm hòa với chính mình để dựng lại chính mình.

Giáp Văn Dương

---
Nguồn: Vnexpress ngày Thứ tư, 20/11/2019, 08:09 (GMT+7) 45