Giáp Văn
Tuần vừa rồi, nhiều báo đài đưa tin về tướng Giáp nhân dịp kỉ niệm 55 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Các blogger cũng hăng hái không kém. Không khí chung là cảm phục và yêu mến tướng Giáp, nhưng nhiều người tỏ ra buồn bã, thất vọng xung quanh việc tướng Giáp nhận làm Chủ tịch Ủy ban quốc gia dân số và sinh đẻ có kế hoạch, rằng việc này không xứng với tư cách của vị Đại tướng lừng danh thế giới. Tôi cũng không ngoại lệ. Vì thế, tôi – một người rất yêu mến và kính trọng tướng Giáp - quyết định gặp trực tiếp để hỏi cho rõ. Vẫn biết việc này khó hơn lên trời, nhưng nếu không, tôi cũng sẽ cứ băn khoăn như vậy mãi, một việc mà tôi không hề muốn.
Có câu: “Điếc không sợ súng”, lại có câu: “Hãy gõ, cửa sẽ mở”. Trong việc này, tôi vốn điếc nên không sợ súng. Tôi cũng quyết định sẽ gõ, và hy vọng cửa sẽ mở, với một xác suất thành công đoán trước là rất nhỏ.
Và tôi đã gõ cửa nhà tướng Giáp thế này: Soạn ra ba câu hỏi mà tôi cho rằng nếu tướng Giáp đồng ý trả lời, thì những băn khoăn của tôi và nhiều người khác sẽ được sáng tỏ, rồi gửi thẳng đến văn phòng Đại tướng theo đường chuyển phát nhanh. Ba câu hỏi đó là:
-Vì sao Đại tướng đồng ý làm Chủ tịch Ủy ban quốc gia dân số và sinh đẻ có kế hoạch?
-Vì sao Đại tướng giữ im lặng trước những lời bàn tán về mình?
-Trận chiến lớn cuối cùng của Đại tướng diễn ra năm nào?
Thật không ngờ, tôi được tướng Giáp đồng ý gặp mặt trong vòng mười lăm phút. Mừng hơn bắt được vàng, tôi chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ để đến gặp vị tướng mà tôi vô cùng yêu quí, và cũng là để sáng tỏ khúc mắc của tôi bấy lâu nay.
Đúng 8 giờ sáng hôm sau, tôi có mặt ở số 30 Hoàng Diệu, rồi được thư ký của tướng Giáp đưa vào phòng khách. Năm phút sau, tướng Giáp xuất hiện trong bộ đồ dân sự giản dị. Đây là lần đầu tiên tôi được thấy ông ở khoảng cách gần như vậy. Tuy đã 98 tuổi, nhưng trông ông vẫn rất minh mẫn. Gật đầu chào tôi, ông mời tôi ngồi và chậm rãi nói:
-Tôi đã nhận được ba câu hỏi của anh. Và quá đỗi ngạc nhiên vì sao lại có người lại hỏi thẳng tôi như vậy, nên tôi đồng ý tiếp anh mười lăm phút. Tuy nhiên, trong ba câu hỏi, tôi chỉ trả lời một. Và câu trả lời chỉ có một từ. Anh chọn câu nào cũng được. Những câu còn lại, anh tự suy luận.
Giờ thì đến lượt tôi ngạc nhiên. Tôi chưa hề nghĩ đến tình huống này. Ba câu hỏi mà chỉ trả lời một câu. Câu trả lời lại chỉ có một từ. Suy tính một lát, tôi quyết định chọn câu số ba:
-Trận chiến lớn cuối cùng của Đại tướng diễn ra năm nào?
Tướng Giáp nhìn tôi, đôi mắt hấp háy như cười. Rồi trầm ngâm một lát như hồi tưởng, ông chậm rãi trả lời:
-1983.
Lần này thì tôi không ngạc nhiên. Tôi đã suy nghĩ về việc này rồi nên thuận miệng nói luôn:
-Năm 1983 là năm Đại tướng nhận chức Chủ tịch Ủy ban quốc gia dân số và sinh đẻ có kế hoạch. Năm này không có chiến tranh, nhưng Đại tướng lại cho là năm diễn ra cuộc chiến lớn cuối cùng của mình. Vậy chỉ có thể là cuộc chiến những đối thủ trên chính trường hoặc với chính mình.
-Cho đến năm này, người ta đã tìm cách gạt Đại tướng ra khỏi chính trường và cố tình hạ thấp uy tín của Đại tướng bằng cách phân công làm Chủ tịch Ủy ban quốc gia dân số và sinh đẻ có kế hoạch. Đây là việc trước nay chưa từng xảy ra với một vị tướng cầm quân lừng danh trên chiến trường. Chứng tỏ căng thẳng nội bộ đã ở mức tột đỉnh. Đất nước sau hàng chục năm chiến tranh nhân tâm phân tán, khó khăn chồng chất. Nguy cơ nổ ra một cuộc nội chiến có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Trong tình huống này, Đại tướng đã chọn phương án lùi để tiến, đánh chậm thắng chắc giống hệt như trận Điện Biên Phủ năm xưa...
Nghe đến đây, những nếp nhăn trên khuôn mặt tướng Giáp như giãn ra một chút. Ánh mắt ông cũng có vẻ sáng hơn, hấp háy khích lệ, nên tôi mạnh dạn nói tiếp:
-Đây quả thật là cuộc chiến lớn của Đại tướng. Lại là cuộc chiến với chính mình, nên càng khó khăn. Ngày trước, Đại tướng mất mười một ngày đêm suy nghĩ để quyết định chuyển từ đánh nhanh thắng nhanh sang đánh chậm thắng chắc, thì lần này chác cũng phải như vậy, thậm chí hơn...
-Với quyết định nhận chức Chủ tịch Ủy ban quốc gia dân số và sinh đẻ có kế hoạch, Đại tướng đã bắn một tên trúng ba bốn đích. Đầu tiên là tránh được một cuộc nội chiến có thể xảy ra nếu Đại tướng làm căng, vì đa số quân đội lúc này vẫn còn ủng hộ Đại tướng. Sau đó bảo toàn được lực lượng là chính bản thân mình, để chờ thời. Sau nữa là trực tiếp đưa đối thủ chính trị của mình ra đầu búa rìu dư luận. Giả sử hồi đó Đại tướng không làm như vậy, thì thử hỏi, những đối thủ của Đại tướng lúc đó có bị đay nghiến dai dẳng cho đến tận bây giờ không?
-Thêm nữa, việc nhận chức Chủ tịch Ủy ban quốc gia dân số và sinh đẻ có kế hoạch cũng là đóng góp cho đất nước. Với uy tín và kĩ năng tổ chức của Đại tướng, trong cương vị chủ tịch, Đại tướng sẽ thúc đẩy ủy ban hoạt động hiệu quả...
Nghe đến đây, tướng Giáp bất giác mỉm cười. Thấy vậy, tôi thở phào và nói tiếp:
-Việc Đại tướng không nói ra điều này, là vì có liên quan đến những người một thời là đồng chí, là bạn chiến đấu. Người đối xử không tốt với ta, nhưng ta không chấp nhặt, không để trong lòng. Những người đó là bạn một thời vào sinh ra tử, thì cứ coi như họ bị cái danh cái lợi che mờ chốc lát mà thôi...
Vẫn đôi mắt hấp háy cười vui, tướng Giáp nhìn tôi, rồi xem đồng hồ và nói:
-Đã hết mười năm phút.
Như không để ý đến thời gian, nhưng dường như ngộ ra một điều gì quan trọng, tôi nói như chỉ để mình nghe:
-Hy sinh danh dự, tránh để không xảy ra cảnh nồi da xáo thịt là Nhân. Bảo toàn thân mình, đẩy đối thủ ra đầu sóng dư luận là Trí. Vui vẻ chấp nhận làm việc tầm thường không xứng với mình là Dũng. Thấy có ích mà làm, không ngại điều ong tiếng ve là Nghĩa. Không chấp nhặt cái sai của người là Dung... Người như thế thì cần gì phải bận tâm đến điều tiếng thị phi của thiên hạ chứ.
Đến đây, tướng Giáp bất giác cười vang rồi đứng dậy. Tôi quá bất ngờ với giọng cười sang sảng của vị tướng già 98 tuổi, nên giật mình... tỉnh giấc. Lòng thư thái, tôi bất giác mỉm cười, và bỗng thấy những băn khoăn thắc mắc của mình về tướng Giáp quả thật là vớ vẩn.