Những ngày này, dư luận xã hội như "sôi" lên vì thông tin tăng học phí (đại học, phổ thông), nội dung dễ gây "sốc" nhất trong Đề án đổi mới cơ chế tài chính năm 2008 - 2012 của Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ trình bày tại kỳ họp Quốc hội khóa 12.
Ổn và chưa ổn
Theo đó, ở ngành học phổ thông, mức học phí mới được tính không vượt quá 6% thu nhập bình quân của hộ gia đình. Mức học phí cụ thể sẽ do UBND các tỉnh, TP quyết định sao cho phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội địa phương và hộ gia đình trên địa bàn, (có miễn học phí đối với học sinh tiểu học, học sinh diện chính sách, diện hộ nghèo theo tiêu chuẩn quốc gia và giảm học phí cho các đối tượng cận nghèo, ngành nghề khuyến khích). Ảnh: tieuhocdanghai.com
Khung học phí đại học được chia theo các nhóm ngành đào tạo. Khoa học xã hội, kinh tế, luật: 250.000 – 550.000 đồng/tháng; kỹ thuật-công nghệ; khoa học tự nhiên; thể dục thể thao, nghệ thuật: 270.000-650.000 đồng/tháng; nông-lâm-thủy sản: 230.000-550.000 đồng/tháng; y dược: 290.000-800.000 đồng/tháng; sư phạm: 200.000-500.000 đồng/tháng. Nhà nước dành 5,6% GDP cho giáo dục thì gia đình cũng có thể dành 6% thu nhập của mình để chi cho con em đi học. Tuy nhiên, không nên tăng vào lúc này vì kinh tế đang rất khó khăn, người dân đang cần hỗ trợ nhiều.
Riêng sinh viên sư phạm, phải vay vốn tín dụng để đóng học phí, sau khi ra trường, nếu đi dạy học ít nhất 5 năm (đối với đại học, cao đẳng) và 3 năm (đối với trung cấp chuyên nghiệp) thì nhà nước sẽ xóa nợ (cả gốc lẫn lãi).
...
Thực sự, tôi vẫn muốn biết, khoản chi 20% ngân sách Nhà nước hằng năm cho GD-ĐT được sử dụng như thế nào, hiệu quả ra sao. Còn có thể tiết kiệm khâu nào để người dân không phải tăng học phí.
GS Chu Hảo - Theo Sài Gòn Giải phóng
Xem xét những nội dung cơ bản tăng học phí, có thể thấy, nếu như ở đại học, phương án tăng học phí gắn với những giải pháp cụ thể của Nhà nước cho học sinh diện chính sách xã hội tỏ ra khá ổn thì quy định tỷ lệ thu học phí ở ngành học phổ thông, ở đào tạo nghề nghiệp lại chưa đủ tính thuyết phục.
Về lý thuyết, Bộ GD và ĐT chỉ đề xuất tỷ lệ “khung”: 6%, còn tính toán cụ thể bao nhiêu do UBND các tỉnh, thành phố dựa trên thu nhập cụ thể của địa phương mình. Tuy nhiên, thực tế ngay trong một địa bàn, mức thu nhập giữa các huyện trong một tỉnh, giữa các xã trong một huyện, giữa các hộ giàu nghèo trong một phường, xã cũng rất khác nhau.
Vì việc quản lý thu nhập hiện nay của chúng ta chủ yếu qua lương, và hình thức là tiền mặt, vì vậy, tính toán 6% thu nhập/ hộ gia đình thực chất lại rất khó chính xác, khó công bằng. Nếu không bám sát thực tế này, ngành GD có thể bỏ qua một khoản thu ở những hộ gia đình thu nhập rất cao.
Ngược lại, rất có thể sẽ nảy sinh và tồn tại một hiện tượng như đã tồn tại trước đây, mặc cho các trường thu học phí theo quy định chung, người dân nghèo sẽ tiếp tục phải đóng góp các khoản trời ơi đất hỡi, vì nhiều lý do “tế nhị” và cấp quản lý chính quyền vẫn sẽ phải tiếp tục “ngoảnh mặt làm ngơ”. Và ai dám cam đoan rằng, trong số học sinh bỏ học hằng năm lại không có những học sinh bỏ học vì không đủ tiền đóng học phí?
Một điều bất ổn nữa, cùng bậc trung học, mức tăng học phí của các trường trung học chuyên nghiệp, các trường nghề lại quá cao, nếu nhìn vào mối tương quan việc tăng học phí ở THPT. Lý giải điều này, các tác giả đề án cho rằng do đầu tư cho các loại trường THCN, trường nghề khá tốn kém.
Viện dẫn đó tỏ ra không thuyết phục, bởi sự tốn kém về đầu tư, lẽ ra nhà nước phải gánh thì lại “bổ” đầu học sinh, trong khi vị thế loại hình trường này từ trước tới nay vẫn không có sức hấp dẫn. Với quy định tăng học phí kiểu này, chính sách phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS, THPT đã tắc nghẽn càng tắc nghẽn hơn. Tuổi trẻ sẽ chỉ chen chúc trước cánh cửa đại học.
Điều bất ổn nữa, cùng trong hệ thống GDPT nhưng học phí các trường ngoài công lập, đến thời điểm này, vẫn đứng ngoài “hàng rào” của đề án, trong lúc công tác thanh tra, giám sát loại trường này vốn yếu kém. Việc quy định thu, chi của các trường ngoài công lập, đầu tư bao nhiêu cho những điều kiện bảo đảm chất lượng GD cũng vẫn còn bị thả nổi. Đến lượt ngành GD tiếp tục đứng ngoài “hàng rào” các trường ngoài công lập.
Tăng học phí phải gắn với năng lực tự chủ và sự minh bạch
Công bằng mà nói, mặc dù tỷ lệ kinh phí đầu tư cho GD nhiều năm gần đây đã tăng khá cao, 20%, dù vậy, tỷ lệ này so với tổng ngân sách nhà nước (con số tuyệt đối), chưa thể đáp ứng yêu cầu chi tiêu cho GD, các điều kiện bảo đảm chất lượng, trả lương GV...
Xuất phát từ thực tiễn ấy, việc tăng học phí là cần thiết. Có điều tăng sao cho hợp lý, khoa học, và việc triển khai cần có lộ trình ra sao để tránh căng thẳng quá cho dân, nhất là trong thời điểm khủng hoảng tài chính, giá cả tiếp tục leo thang, ngành GD cần tính toán.
Ảnh: viettribune.com |
Nhưng vẫn có nhiều câu hỏi hoài nghi: Tăng học phí, tăng thêm các điều kiện đầu tư, kể cả lương giáo viên, liệu chất lượng GD có “đạt chuẩn”?
Mặt khác, còn không ít ý kiến cho rằng tiền đầu tư cho GD không ít. Người dân vốn trọng “đạo học”, sẵn sàng chia nghèo, sẻ khó với ngành GD, với nhà nước, nhưng người dân cũng cần biết đồng tiền mồ hôi lao động một nắng hai sương của họ được tiêu dùng như thế nào, có hiệu quả không? Rằng ngành GD phải minh bạch hoá tài chính, công khai hoá việc thu chi, bảo đảm không thất thoát, lãng phí. Đó là đòi hỏi chính đáng.
Theo GS Văn Như Cương, Uỷ viên Hội đồng Quốc gia GD, tổng ngân sách chi cho GD là 76000 tỷ đồng. Nếu chi cho lương của hơn một triệu GV, cán bộ, với mức bình quân 4 triệu đồng/người/tháng, thì ngân sách GD chi cho lương GV chỉ chiếm hết 50000 tỷ đồng. Trong khi thực tế lương GV bình quân hiện nay mới chỉ đạt 2,5- 3 triệu đồng/tháng, điều này cần được ngành GD giải thích thấu đáo. Mặt khác, nhiều dự án GD (thay sách giáo khoa, bồi dưỡng GV các cấp…) mỗi dự án ngốn 50- 70 triệu USD…Số tiền lấy từ các nguồn vay, nhưng lại không thấy thể hiện trong các giải trình về tài chính của ngành.
Việc tăng học phí lại được “tung” ra vào đúng thời điểm các trường đang đòi quyền tự chủ, trong đó có tự chủ tài chính. Cùng với cung cách quản lý của bộ chủ quản, năng lực tự chủ tài chính của các trường mạnh hay yếu, sẽ góp phần trả lời những câu hỏi của người dân lao động, những người luôn phải thắt lưng buộc bụng, gánh vác khó khăn của đất nước ở bất cứ thời kỳ lịch sử nào, chiến tranh hay hoà bình, bao cấp hay hội nhập…
Chủ trương này muốn hiệu quả, cần đặt trên nền tảng một cơ chế quản lý phù hợp, bảo đảm các trường vừa phát huy năng lực sáng tạo vừa gắn với trách nhiệm xã hội, đó là hội đồng trường, một cơ chế quản lý nếu tổ chức tốt, sẽ hạn chế được sự chuyên quyền độc đoán, dẫn đến lợi ích cá nhân, lợi ích cục bộ…Nhưng hiện nay, cơ chế quản lý theo mô hình hội đồng trường của các trường ĐH luôn ở trạng thái “nói mạnh- làm dở”, còn ở các trường phổ thông vẫn là một con số không (0) to tướng và tròn trĩnh.
Như vậy xét cho cùng, nếu thực sự có trách nhiệm, việc tăng học phí không đơn thuần gỡ cái khó cho ngành GD, mà là đặt trên vai ngành này bổn phận hành động trước xã hội nặng nề hơn. Đó là việc tăng học phí có hiệu quả hay không, có tạo được sự đồng thuận, tin tưởng và chia sẻ từ phía người dân hay không, còn căn cứ vào việc ngành GD có những giải pháp khoa học, đồng bộ- gắn chặt với nâng cao năng lực tự chủ tài chính của các trường, với chính sách minh bạch hoá, công khai hoá việc thu, chi tài chính của các cấp quản lý GD (từ vĩ mô đến vi mô) trên cơ sở những quy định nghiêm minh của pháp luật. Để cuối cùng, góp phần tạo ra chất lượng GD “đạt chuẩn”.
Và nhìn rộng ra, việc tăng các nguồn thu của dân luôn phải gắn với việc các ngành, nhà nước có trách nhiệm công khai hóa, minh bạch hoá thu chi, trên cơ sở thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ theo những quy định nghiêm minh của pháp luật. Đó đâu chỉ là việc riêng của ngành GD.
- Kim Dung
Giả sử khi quy định các mức học phí, chính quyền Hà Nội có thể khu biệt được các hộ nghèo, hộ nông dân ở ngoại thành nhưng với những hộ có thu nhập cận nghèo hoặc trung bình ở nội thành, chênh lệch thu nhập vẫn là bài toán nan giải.
Việc giải bài toán này sẽ tốn khá nhiều thời gian và nguồn lực vốn đã eo hẹp của các cơ quan chức năng, và thực sự không cần thiết. Trên thực tế, dù các địa phương xử lý bài toán này thế nào đi chăng nữa, con em của các gia đình nghèo vẫn chỉ còn một lựa chọn duy nhất là bỏ học giữa chừng. Con số này có thể lên đến hàng triệu.
Trong khi đó, nguồn thu từ học phí không phải là con số lớn nếu so với các chi phí đầu tư khác của nhà nước. Cả nước hiện nay có 15.300.000 học sinh phổ thông (năm học 2008 – 2009). Nếu trừ đi số học sinh đến từ các hộ nghèo và cận nghèo thì số học sinh phải đóng học phí ước tính là 10.000.000 em.
Nếu tính theo mức học phí bình quân của cả nước là 41.000 đồng/học sinh/tháng (một nửa mức tối đa quy định bởi đề án) thì tổng số tiền học phí của cả nước thu được sẽ là 3.690 tỷ đồng, bằng năm lần chi phí cho đoạn đường Kim Liên – Ô Chợ Dừa của thủ đô Hà Nội.
Nếu được lựa chọn năm đoạn đường này hay học sinh cả nước được đi học miễn phí một năm, tôi chọn phương án học sinh cả nước đi học miễn phí.
TS Giáp Văn Dương, Liverpool, Anh quốc, Theo Tiền Phong